Báo cáo tại buổi làm việc, Trung tướng Doãn Thái Đức, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo, Cục trưởng Cục Cứu hộ - cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) cho biết, Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia được thành lập ngày 16/7/2020. Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức họp phiên thứ nhất Ban Chỉ đạo vào ngày 10/3/2023 nhằm đánh giá kết quả công tác phòng thủ dân sự năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, tình hình thiên tai, thảm họa, sự cố, dịch bệnh trên thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo thống kê, từ ngày 1/1/2022 đến 28/2/2023, ở trong nước, thiên tai, sự cố xảy ra 7.942 vụ. Hậu quả có 1.339 người chết, 200 người mất tích, 513 người bị thương, 840 phương tiện bị chìm, cháy, hỏng; 1.428 nhà xưởng, hơn 761 ha rừng và thảm thực vật bị cháy; 7.6 nhà bị hư hỏng, sập; hơn 190 nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hại; hơn 91,2 nghìn gia súc gia cầm bị chết... Thiệt hại về kinh tế do thiên tai ước tính khoảng hơn 5 nghìn tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Theo chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo các lực lượng phòng thủ dân sự, nhất là lực lượng vũ trang khắc phục khó khăn, triển khai đồng bộ, có hiệu quả 7 nhiệm vụ trọng tâm, góp phần giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Với các nhiệm vụ trên, Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia đã tham mưu, chỉ đạo các Bộ, ngành xây dựng hệ thống văn bản, kế hoạch. Theo đó, giúp Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo; Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự, Luật Phòng thủ dân sự; Đề án phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến 2045.
Văn phòng Ban Chỉ đạo cũng giúp Bộ Công an xây dựng kế hoạch ứng phó thảm họa, cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư; kế hoạch đảm bảo an ninh, trật tự trong vùng, khu vực xảy ra thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án An ninh nguồn nước và An toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Bộ Y tế xây dựng Nghị định về việc giao chỉ tiêu huy động ngành Y tế khi có chiến tranh và tình trạng khẩn cấp thay thế Nghị định 129/2014/NĐ-CP ngày 13/3/2014 của Chính phủ; Chương trình kết hợp quân dân y chăm sóc sức khỏe nhân dân đến năm 2030.
Các bộ, ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch ứng phó các sự cố, thiên tai, thảm họa phù hợp với tình hình thực tiễn và biến đổi khí hậu hiện nay.
Bên cạnh đó, Văn phòng cũng tham mưu Ban Chỉ đạo về kiện toàn tổ chức, lực lượng phòng thủ dân sự của các bộ, ngành địa phương; tham mưu cho Ban Chỉ đạo về công tác huấn luyện, diễn tập, tập huấn phòng thủ dân sự tại các bộ, ngành, địa phương; tham mưu cho Ban Chỉ đạo về công tác tuyên truyền, hỗ trợ trang thiết bị phòng thủ dân sự của các bộ, ngành, địa phương.
Trong công tác tham mưu cho Ban Chỉ đạo về công tác hợp tác quốc tế của các bộ, ngành, địa phương, trong thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, Văn phòng Ban Chỉ đạo đã giúp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa lực lượng tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đến cảm ơn và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng như cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Văn phòng cũng tham mưu cho Ban Chỉ đạo về công tác kiểm tra các khu vực, địa bàn thường xuyên có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố, thiên tai tại một số tỉnh; qua kiểm tra đã góp phần nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Tính từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 20/3/2023, các bộ, ngành, địa phương đã điều động 2.653 lượt người/21.899 lượt phương tiện ứng phó, xử lý hiệu quả 5.507 vụ, cứu được 5.475 người và 353 phương tiện.
Đặc biệt, trong tháng 2/2023, do thời tiết trên biển diễn biến phức tạp, một số tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận không thể về bờ. Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng Hải quân hướng dẫn cho 203 tàu/740 ngư dân đánh cá của tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận vào tránh trú; kịp thời hỗ trợ hơn 3.000 kg gạo, hơn 22.600 lít nước cùng một số nhu yếu phẩm cần thiết kịp thời giải quyết những khó khăn cấp bách của ngư dân tại các đảo Đá Lát, Trường Sa, Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa.
Đại diện Văn phòng Ban Chỉ đạo và các đơn vị thuộc Chính phủ cũng nêu một số ý đề xuất kiến nghị, trao đổi giải pháp liên quan đến công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng thủ dân sự thời gian tới.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang biểu dương, ghi nhận những kết quả Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia đạt được thời gian qua.
Nhấn mạnh những nhiệm vụ Văn phòng Ban Chỉ đạo đang thực hiện có ý nghĩa hết sức to lớn với cuộc sống con người, Phó Thủ tướng đánh giá, đảm đương nhiều nhiệm vụ đặc biệt khó khăn, từng thành viên Văn phòng Ban Chỉ đạo đã nỗ lực hết sức để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cho rằng năm 2023 và những năm tiếp theo, tình hình thiên tai, thảm họa, sự cố, dịch bệnh trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp, có nguy cơ gia tăng, Phó Thủ tướng lưu ý, kinh tế-xã hội phát triển cũng đi kèm với những sự cố cháy, nổ, hư hỏng… Bên cạnh đó, biến động chính trị ở khu vực và trên thế giới cũng ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực. Phó Thủ tướng nhận định, công tác của Văn phòng Ban Chỉ đạo sẽ ngày càng nhiều, trong khi nguồn lực còn hạn chế.
Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng đã gợi mở một số nội dung cần được chú trọng thực hiện thời gian tới. Theo đó, Văn phòng Ban Chỉ đạo cần làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, hướng tới kế hoạch 5 năm và những năm tiếp theo. Cùng với đó, triển khai hiệu quả kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo diễn ra ngày 10/3/2023.
Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống thiên tai, sự cố. Công tác cứu hộ, cứu nạn cần thực chất, linh hoạt, có tính sáng tạo hơn; chủ động trong công tác dự báo, nâng cao hơn nữa công tác phối hợp với các lực lượng trong hệ thống chính trị; trao đổi kinh nghiệm quốc tế nhằm đúc rút những bài học kinh nghiệm phù hợp với thực tiễn đất nước.
Phó Thủ tướng nêu ý kiến, nguồn lực cho công tác cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố, thiên tai có thể tận dụng từ các nguồn xã hội hóa; trong đó có khối doanh nghiệp bởi đây là trách nhiệm chung của cả cộng đồng. Đặc biệt, cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Phó Thủ tướng đề nghị Văn phòng Ban Chỉ đạo có đề xuất cụ thể về trang thiết bị thiết yếu cho nhiệm vụ. Về phía Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết sẽ quan tâm, hỗ trợ tối đa cho công tác sắp xếp bộ máy của Văn phòng Ban Chỉ đạo theo hướng hiệu quả.