Theo ông Bùi Sỹ Lợi, quỹ bảo hiểm xã hội do nhà nước quản lý, nhà nước bảo trợ nên không bao giờ mất cân đối. Quỹ được quản lý chặt chẽ bằng một Hội đồng trung ương do Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý và luôn được đầu tư tăng trưởng nhằm phát triển, bảo tồn quỹ.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, Bùi Sỹ Lợi. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Trước thông tin Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có Tờ trình Chính phủ dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, trong đó đưa ra hai phương án tuổi nghỉ hưu: Giữ như hiện hành (nam 60 và nữ 55 tuổi) và tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 60, ông Lợi khẳng định không ủng hộ phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Theo ông, đây là bài toán phải tính rất cụ thể.
Nêu quan điểm, ông Lợi cho rằng nên giữ nguyên quy định của Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu, bởi trong Điều 187 có 3 khoản: Khoản thứ 1, tuổi nghỉ hưu vẫn là 55 đối với nữ và 60 đối với nam; khoản thứ 2 là sẽ giảm tuổi cho những người làm công việc nặng nhọc, độc hại vùng phụ cận khu vực từ 1% trở lên, có thể giảm tới 5 năm cả nam và nữ. Nếu như người lao động làm những ngành nghề suy giảm đến 61% sức lao động trở lên vẫn giảm tiếp 5 năm. Theo quy định này, có ngành nghề thực chất nghỉ hưu ở tuổi 45 đối với nữ và 50 đối với nam. Khoản thứ 3 là những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, những người có trình độ quản lý có nhu cầu ở lại làm việc, đơn vị có nhu cầu sử dụng thì được tiếp tục làm việc tối đa không quá 5 năm, không giữ chức vụ lãnh đạo, trừ những trường hợp mà Bộ Chính trị và Nhà nước thống nhất vẫn giữ chức vụ lãnh đạo.
Ông Lợi phân tích, phương án 1 mà Bộ đề xuất giữ lại như Bộ luật hiện hành, vẫn giải quyết được vấn đề những người có năng lực, trình độ chuyên môn tiếp tục làm việc, cống hiến chất xám; đồng thời sử dụng được nguồn nhân lực và giải quyết được vấn đề thất nghiệp, thiếu việc làm của một lực lượng lao động hiện nay. Nhấn mạnh hiện cung lao động đang lớn hơn nhu cầu sử dụng, ông Lợi cho rằng đây là phương án tốt nhất. “Chúng ta sẽ dự báo một chương trình để đến lúc bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số thì nâng tuổi nghỉ hưu lên để đảm bảo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội", ông Lợi nói.
Đánh giá phương án thứ 2 cũng là một phương án tốt nhưng cần phải tính lộ trình, ông Lợi tính toán phải sau năm 2020 mới bắt đầu nghĩ đến việc nâng tuổi lao động, để đến năm 2030, nâng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62, nữ lên 58, tiếp đến năm 2037 thì nam là 65, nữ là 60. Đến lúc đó, dân số Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ già hóa, thiếu lực lượng lao động, việc điều chỉnh này sẽ giúp cung lao động đáp ứng được nhu cầu sử dụng.
Nâng tuổi nghỉ hưu với mục tiêu để sử dụng chất lượng nguồn nhân lực cao nhưng phải tính toán để không ảnh hưởng đến số sinh viên, học sinh ra trường tốt nghiệp mà không có việc làm, ông Lợi khẳng định.