Cần nỗ lực liên kết trong phân phối hàng Việt

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, việc hợp tác và liên kết vùng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, đặc biệt là vùng kinh tế Đông Nam bộ. Đó là nhận định của bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) về việc phát triển mạng lưới thương mại, hệ thống phân phối tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong năm 2012.

Hệ thống phân phối đang bị “cắt khúc”

Hiện mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ hàng năm của vùng Đông Nam bộ đạt khoảng 7.989,2 tỷ đồng (chiếm gần 36,9% tổng mức bán lẻ và dịch vụ toàn quốc). Đồng thời, chỉ số tiêu dùng của các tỉnh trong vùng hầu như có mức tăng thấp so với cả nước. Bên cạnh đó, trong những năm qua, vùng không ngừng đẩy mạnh phát triển chuỗi hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, đây là loại hình phân phối hiện đại và ngày càng trở thành nơi mua sắm chủ yếu của hầu hết người tiêu dùng.

Sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam tại Co.op mart Phú Thọ. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

Tuy nhiên, theo đại diện các tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, tình trạng dân cư không tập trung, mức thu nhập không đồng đều giữa các vùng đang gây khó khăn trong việc thiết lập hệ thống phân phối, đồng thời các dự án phát triển mạng lưới thương mại, bán buôn, bán lẻ chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân địa phương. Tại tỉnh Tây Ninh, sau khi rà soát, đánh giá mạng lưới thương mại trên địa bàn, cho thấy hệ thống phân phối đang bị “cắt khúc”, làm cho việc cung ứng hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, đặc biệt là ở khu vực nông thôn còn rất hạn chế.

Ông Nguyễn Quang Chánh, Phó Giám đốc Sở Công Thương, tỉnh Bình Phước cho biết, mặc dù đã có nhiều giải pháp để giảm thiểu sự hạn chế trong việc tiếp cận các sản phẩm hàng Việt có chất lượng tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa thông qua doanh nghiệp phân phối, nhưng hệ thống phân phối địa phương phát triển chưa bền vững, thị trường tiêu dùng dễ bị tổn thương trước các tác động của giá cả và những đột biến về quan hệ cung - cầu. Bên cạnh đó, mức tác động và việc thụ hưởng từ các hoạt động trong khuôn khổ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh chỉ mới tập trung ở khu vực thành thị và trung tâm.

Qua kinh nghiệm trong nhiều năm triển khai mở rộng thị trường nông thôn, một số nhà sản xuất và doanh nghiệp bán lẻ, cho biết vùng Đông Nam bộ là thị trường hấp dẫn, có nhiều tiềm năng để phát triển hệ thống phân phối, kênh mua sắm hiện đại nhưng hiện nay vẫn tồn tại một số trở ngại nhất định, làm chậm sự phát triển mạng lưới thương mại của vùng. Trong đó, doanh nghiệp gặp khó khăn lớn nhất ở khâu tìm kiếm và tiếp cận các đại lý phân phối hoặc một số nơi có hệ thống phân phối rời rạc, yếu kém; việc giải quyết các thủ tục hành chính như cấp giấy phép kinh doanh, thuê đất… tại các địa phương chưa thông thoáng cũng góp phần hạn chế trong thu hút đầu tư của doanh nghiệp.

Cần nhiều nỗ lực trong liên kết

Từ đầu năm đến nay, thị trường trong nước vẫn đạt mức tăng trưởng khá, riêng trong tháng 1/2012 có tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ đạt 191,1 nghìn tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng chú ý là trên thị trường, hàng Việt có số lượng áp đảo, điển hình tại TP Hồ Chí Minh hàng Việt chiếm đến 90% và được người tiêu dùng ưu chuộng vì giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo, mẫu mã đẹp… Do đó, trên cơ sở phát triển ngành thương mại nội địa của Bộ Công Thương, đồng thời lồng ghép với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2012, các Sở Công Thương vùng Đông Nam bộ đã triển khai đa dạng các giải pháp liên kết vùng, nhằm tiếp tục tăng cường đưa hàng Việt về nông thôn, thúc đẩy thương mại phát triển sâu rộng trong địa bàn dân cư.
 

Đại diện Trung tâm xúc tiến Thương mại, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa “ba nhà”: Nhà sản xuất, nhà bán lẻ với nhà phân phối trong việc đưa hàng hóa đến từng địa bàn nông thôn, chiếm lĩnh thị trường và tạo điều kiện cho người dân được tiêu dùng các sản phẩm hàng Việt chất lượng, giá cả hợp lý. Riêng đối với Chương trình hàng Việt về nông thôn, các tỉnh nên giới thiệu doanh nghiệp tỉnh mình tham gia những hoạt động của tỉnh khác để quảng bá sản phẩm, đa dạng hóa mặt hàng, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng; đồng thời tìm kiếm thị trường, mở rộng kênh phân phối.

Việc tăng cường khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai các cửa hàng tiện ích là giải pháp hữu hiệu để phát triển hệ thống phân phối tại địa bàn nông thôn. Do đó, theo ông Lê Quang Nhành, Phó Giám đốc Sở Công Thương, tỉnh Đồng Nai, các địa phương nên tạo cơ hội thuận lợi cho những đơn vị kinh doanh xây dựng các khu bán hàng theo hình thức hiện đại, văn minh như siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi… đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng tại một khu vực dân cư nhất định. Đồng thời, các sở, ngành địa phương phải thúc đẩy sự phối hợp giữa các doanh nghiệp ở những tỉnh, thành lân cận để xây dựng vùng sản xuất, khu sản xuất phụ trợ để phục vụ cho nhà sản xuất, góp phần giảm chi phí sản xuất, năng tính cạnh tranh cho sản phẩm.

Ở quan điểm của nhà đầu tư, kinh doanh bán lẻ, ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Sài Gòn Co.op, cho rằng tuy vùng Đông Nam bộ có lợi thế về các khâu vận chuyển, cung ứng và tìm nhà cung cấp hơn những nơi khác, nhưng để thu hút hiệu quả các nhà bán lẻ, địa phương cần hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng tốt, đơn giản hóa thủ tục hành chính và hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp khác cũng cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển mạng lưới phân phối, Sở Công Thương - đơn vị chủ chốt trong thực hiện quy hoạch hệ thống thương mại cần tăng cường sự liên kết giữa các sở, ngành và doanh nghiệp.

Mỹ Phương
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN