Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN
Tiếp tục thực hiện chương trình kỳ họp thứ 11, sáng 2/4, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, tiến hành bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước. Với đa số phiếu tán thành, ông Trần Đại Quang đã trúng cử chức vụ Chủ tịch nước. Bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu đã thể hiện sự tin tưởng ông Trần Đại Quang sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị mới; đồng thời kiến nghị hoàn thiện cơ sở pháp lý để phát huy hơn nữa vai trò, quyền hạn của Chủ tịch nước trên thực tiễn.
Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng công tác nhân sự, từ khâu chọn lựa con người cụ thể, đến việc Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, đặc biệt là Chủ tịch nước tiền nhiệm giới thiệu người kế nhiệm, việc ông Trần Đại Quang được bầu làm Chủ tịch nước là rất xứng đáng. Ông Trần Đại Quang được rèn luyện, trưởng thành trong lực lượng Công an nhân dân, đã trải qua nhiều cương vị công tác, thể hiện được năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng. Ông Trần Đại Quang có học hàm Giáo sư, Tiến sỹ Luật và đã đảm nhiệm nhiều chức vụ lãnh đạo của lực lượng Công an. Nhấn mạnh quá trình công tác và tham gia nhiều khóa trong Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, đại biểu Trương Minh Hoàng tin tưởng với trọng trách mới, ông Trần Đại Quang sẽ đúc rút được những kinh nghiệm từ hoạt động của các vị Chủ tịch nước trước đây để làm tốt vai trò Chủ tịch nước và thực hiện trách nhiệm của mình mà Hiến pháp đã quy định.
Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), tuyệt đại đa số đại biểu đã tín nhiệm bầu ông Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước và tin tưởng ông Trần Đại Quang sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị mới do Quốc hội và nhân dân giao phó. Đại biểu Đỗ Văn Vẻ đánh giá ông Trần Đại Quang được đào tạo bài bản về luật pháp, trong quá trình công tác ở Bộ Công an đã thể hiện rõ quan điểm về bảo vệ an ninh, chủ quyền đất nước. Đại biểu Đỗ Văn Vẻ tin tưởng, trên cương vị Chủ tịch nước, ông Trần Đại Quang sẽ thực hiện tốt các quyền hạn, nhiệm vụ, đặc biệt trong bảo vệ an ninh, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc
Đánh giá lĩnh vực an ninh trong thời gian qua dưới sự lãnh đạo của ông Trần Đại Quang đã được thực hiện tốt, có nhiều chuyển biến tích cực, tạo được niềm tin cho nhân dân, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) kỳ vọng trên cương vị mới, ông Trần Đại Quang sẽ tiếp tục phấn đấu, hoàn thiện các mặt công tác, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được Quốc hội, nhân dân giao phó. Đại biểu Bùi Thị An cho rằng, nếu có luật về Chủ tịch nước thì vai trò, quyền hạn của Chủ tịch nước sẽ được thể hiện, phát huy rõ ràng hơn, cụ thể hơn trên thực tế. Vì vậy, nhiệm kỳ tới của Quốc hội nên xem xét, ban hành luật về Chủ tịch nước, trong đó quy định chi tiết rõ về quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của chức danh lãnh đạo quan trọng này.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho biết, nhiều đại biểu đã kiến nghị Quốc hội cần xem xét ban hành luật về Chủ tịch nước vì đây là một chế định quan trọng, gồm cả quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp nhưng hiện nay vẫn chưa có một luật riêng. Các chế định về quyền lực Nhà nước của Việt Nam đều đã có luật như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương... Đại biểu Nguyễn Anh Sơn mong muốn Quốc hội khóa mới sẽ ban hành luật về Chủ tịch nước, quy định rõ ràng, chi tiết quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ nhằm phát huy vai trò của Chủ tịch nước.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn cho biết trong lời tuyên thệ và phát biểu nhận chức, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nêu bật nhiều nội dung quan trọng mà đại biểu và nhân dân kỳ vọng. Đó là khẳng định quyết tâm, trách nhiệm của người đứng đầu Nhà nước trong bảo vệ an ninh quốc gia, chủ quyền đất nước. Đại biểu tin tưởng với bản lĩnh của người tướng lĩnh đứng đầu ngành Công an, lời hứa của Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ được triển khai hiệu quả, công tác xây dựng lực lượng vũ trang đảm bảo đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia.
Theo đại biểu Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), Chủ tịch nước là chức danh đứng đầu Nhà nước về đối nội và đối ngoại, là nguyên thủ quốc gia. Ở Việt Nam đây là thiết chế mang cả quyền lực về lập pháp, hành pháp, tư pháp, được quy định trong Hiến pháp. Hiến pháp 2013 đã có những quy định cụ thể, chi tiết hơn về chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch nước so với Hiến pháp 1992. Từ đó trong thời gian tới, vai trò của Chủ tịch nước sẽ được tăng cường hơn.