Cần quan tâm hơn nữa tới kinh tế biển

Bên lề Quốc hội, đại biểu Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) đã trao đổi với phóng viên một số vấn đề về phát triển kinh tế biển trong tình hình hiện nay. Đại biểu cho rằng, trong những năm qua, kinh tế biển đạt được những kết quả nhất định nhưng còn nhiều mặt chậm phát triển, yếu kém.

 

Trong thời gian qua, chủ trương của Đảng, Chính phủ với kinh tế biển đề ra nhiều nhưng tôi thấy vận hành trong tổ chức chỉ đạo, thực hiện đầu tư cho các chương trình kinh tế biển chưa tương xứng và còn chậm. Ngành kinh tế biển hiện đóng góp trên 53% GDP toàn quốc nên đề nghị, trước mắt Chính phủ và bộ, ngành rà soát lại một số hạng mục để triển khai một số công trình ven biển, nhất là 15 khu kinh tế ven biển. Các bộ, ngành rà soát xem khu kinh tế nào vừa gắn với kinh tế và quốc phòng, an ninh thì quan tâm đầu tư hơn. Đó là các khu neo đậu tàu thuyền, tuyến đường ven biển…


Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có chính sách ưu đãi cho ngư dân để bám biển lâu dài. Vừa qua ngư dân miền Trung với ý thức tinh thần cao ra khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền với vùng biển nước ta. Tiếp xúc cử tri, ngư dân kiến nghị, Nhà nước có chính sách ưu đãi cụ thể như giảm lãi suất, có thời gian ân hạn để ngư dân vay vốn mua sắm, hoán đổi tàu thuyền công suất lớn bám biển xa. Có vậy mới cải thiện đời sống ngư dân và bảo vệ biển đảo Tổ quốc.


Đối với tình hình Biển Đông, tôi đề nghị ứng phó kiên quyết, linh hoạt, tuân thủ luật pháp quốc tế giữ được chủ quyền, môi trường ổn định hòa bình để phát triển kinh tế đất nước, duy trì quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Bên cạnh đó tranh thủ sự ủng hộ của các nước lớn, tăng cường đối ngoại nhân dân. Tuy nhiên, chúng ta phải phát huy nội lực, tăng cường đoàn kết, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, không để kẻ thù lợi dụng chống phá.


X.M(thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN