Trao đổi với phóng viên Tin Tức bên lề Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng: Ngư dân của chúng ta phải tuân thủ luật pháp quốc tế, cũng như việc chúng ta không cho phép ngư dân nước ngoài đánh bắt trên lãnh hải Việt Nam.
"Chúng ta không cổ súy ngư dân của ta đánh bắt trên lãnh hải nước khác", đại biểu Đỗ Văn Sinh nói.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh bên hành lang Quốc hội. |
Đại biểu Sinh đề nghị phải quy định rõ ngay trong luật một điều cấm. "Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập đến vấn đề này. Quốc hội đang thảo luận và tôi cũng ủng hộ tinh thần như thế, đồng thời phải tuyên truyền, vận động ngư dân của ta tuân thủ, tôn trọng luật pháp quốc tế trong đánh bắt thủy hải sản", đại biểu Đỗ Văn Sinh nêu ý kiến.
Theo lý giải của Tổng cục Thủy sản, Việt Nam chưa đáp ứng được các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) là do đặc thù nghề cá Việt Nam là nghề cá nhân dân, quy mô nhỏ, đa loài, trình độ ngư dân thấp, trang thiết bị trên tàu lạc hậu. Về vấn đề này, đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng, cần có cả một chiến lược để phát triển kinh tế biển, để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ an ninh quốc phòng.
Nhà nước phải có chính sách như hỗ trợ ngư dân có phương tiện đánh bắt hiện đại, có các công cụ cảnh báo địa giới lãnh hải. Trên cơ sở đó, ta sẽ thực hiện tốt được những khuyến nghị mà EC đưa ra.
Còn theo đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định), về lâu dài không chỉ EU, mà nhiều quốc gia cũng có thể phát sinh các điều khoản đối với thủy sản nhập khẩu của Việt Nam. Do đó, thay vì việc chạy theo các phát sinh này, Luật Thủy sản (sửa đổi) nên có quy định chặt chẽ, dự báo trước những khó khăn có thể xảy ra trong các khâu từ đánh bắt, thu mua, bảo quản, xuất nhập khẩu để chủ động đối phó, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp nước ngoài vào thủy sản Việt Nam.
Trước đó, ngày 23/10, EC đã rút thẻ vàng đối với hoạt động khai thác thủy hải sản của Việt Nam do chưa có nhiều tiến bộ trong việc thực hiện các quy định của EU, với 5 khuyến nghị: Hoàn thiện thể chế; Quản lý đội tàu khai thác phù hợp với nguồn lợi; Hoàn thiện hệ thống kiểm tra giám sát tàu cá trên biển và tại cảng; Thực hiện xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản; Ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Khi bị rút thẻ vàng, thủy sản Việt Nam sẽ bị liệt vào diện kiểm soát đặc biệt, có thể lên đến 100% lô hàng khi xuất khẩu vào EU. Đây thực sự là bất lợi cho ngành thủy sản Việt Nam.
Theo Tổng cục Thủy sản, đã có 25 quốc gia, vùng lãnh thổ bị EC áp dụng biện pháp phạt thẻ, trong đó có 6 quốc gia bị áp dụng biện pháp thẻ đỏ, 19 quốc gia bị thẻ vàng (trong đó 10 nước đã được dỡ thẻ vàng, 3 nước đã được dỡ thẻ đỏ).
Hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ được EC gỡ thẻ vàng thời gian khoảng từ 1 đến 2 năm (riêng Thái Lan đã 3 năm vẫn chưa được gỡ thẻ vàng).