Cần quy hoạch lại vùng nuôi tôm, lựa chọn con nuôi chủ lực

Ngày 5/12, tại Bạc Liêu, đoàn công tác Chính phủ, do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm trưởng đoàn, cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã đến làm việc với các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre và Trà Vinh về tình hình quy hoạch, sản xuất, xuất khẩu, tiêu thụ giống, điện, tín dụng và chính sách hỗ trợ thủy sản.

Theo báo cáo của Tổng cục thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm nay, nước ta gặp không ít khó khăn về thiên tai, thời tiết bất lợi, nhất là đợt hạn hán lịch sử chưa từng có trong 100 năm qua ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng đến diện tích nuôi trồng thủy sản trong những tháng đầu năm.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi làm việc.

Với sự chỉ đạo của Chính phủ, bộ ngành Trung ương, sự quyết tâm của địa phương, đến thời điểm này diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước đạt gần 700.000 ha, đạt 102% kế hoạch năm; sản lượng thu hoạch gần 570.000 tấn, đạt hơn 83% so với kết hoạch; đạt kim ngạch xuất khẩu 2,6 tỷ USD. Tuy nhiên, do ảnh thiên tai, dịch bệnh đã làm hơn 190.000 ha tôm nuôi chết, gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm trong vùng.

Bên cạnh đó, do sản xuất thiếu đồng bộ, thiếu quy hoạch; cơ sở hạ tầng đầu tư nuôi tôm còn hạ chế, nhiều nơi còn thiếu điện sản xuất; khâu đầu tư đầu vào như con giống, thức ăn, thuốc chưa tự chủ, còn lệ thuộc nhập khẩu khá lớn; khâu liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thiếu ổn định, người nuôi tôm luôn bị đọng, ngại đầu tư mở rộng quy mô sản xuất…


Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, đối với nuôi trồng thủy sản, con tôm có vai trò chủ lực, đặc biệt là các tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, như: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang…Nhưng đứng trước thách thức thiên tai, biến đổi khí hậu toàn cầu, đòi hỏi các địa phương phải tìm ra giải pháp, biện pháp, quy hoạch, cơ cấu lại vùng nuôi trồng thủy sản hợp lý; cùng với sự đầu tư kiện toàn lại cơ sở hạ tầng, vốn ưu đãi sản xuất, các điều kiện phục vụ sản xuất, liên kết, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm…nhằm giúp nông dân làm chủ kỹ thuật, sản xuất hiệu quả.

Tại buổi làm việc, các địa phương đã kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chính phủ cần quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi trồng thủy sản, nhất là diện tích nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp; trong đó khó khăn nhất là điện phục vụ cho nuôi tôm; đồng thời, cần quy hoạch lại vùng nuôi tôm mang tính liên kết vùng; đầu vào con giống, thức ăn, thuốc; đầu ra sản phẩm.…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao kết quả đạt được của các địa phương trong thời gian qua, nhất là trong bối cảnh thiên tai khắc nghiệt, nhưng các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt kế hoạch đề ra, tiêu biểu là đạt diện tích nuôi tôm nước lợ, sản lượng, chỉ tiêu xuất khẩu.

Tuy nhiên, để phát triển con tôm tăng trưởng bền vững là ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương cần quy hoạch lại vùng nuôi tôm gắn với đề án tái cấu trúc sản xuất ngành nông nghiệp, biến đổi khí hậu toàn cầu; xác định, lựa chọn con nuôi chủ lực để sản xuất; đầu tư xây dựng lại cơ sở hạ tầng đồng bộ; tổ chức lại sản xuất theo hình thức liên kết, tổ hợp tác; tăng cường công tác giám sát đầu vào, nhất là giống, thuốc, thức ăn.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng lưu ý các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, để con tôm Việt Nam vươn ra thế giới, mang về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước.

Tin, ảnh: Huỳnh Sử (TTXVN)
 Cà Mau nuôi tôm công nghiệp đạt 15.000 ha vào năm 2020
Cà Mau nuôi tôm công nghiệp đạt 15.000 ha vào năm 2020

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, đến năm 2020, tỉnh định hướng nuôi tôm công nghiệp đạt mức 15.000 ha (giảm 3.530 ha so với kế hoạch ban đầu đã đề ra), như vậy, bình quân mỗi năm tăng khoảng 1.000 ha.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN