Cần tạo chuyển biến mạnh hơn trong phòng, chống tham nhũng

Năm 2013, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo đi vào hoạt động, góp phần tạo bước chuyển tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN về những kết quả quan trọng đã đạt được năm 2013 và những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới.

* Phóng viên:Năm 2013, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có bước chuyển mạnh mẽ với sự đồng thuận, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Xin đồng chí cho biết những kết quả quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng?

* Đồng chí Phạm Anh Tuấn: Năm 2013, bối cảnh tình hình trong nước có nhiều thuận lợi, chuyển biến tốt trên nhiều lĩnh vực, nhưng khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều. Với sự đồng thuận, nỗ lực quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có những bước chuyển biến tích cực, đạt kết quả tốt hơn.

Ngay sau khi Bộ Chính trị có Quyết định thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc và quan hệ công tác, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã sớm kiện toàn tổ chức, hoạt động. Chỉ trong một thời gian ngắn, hoạt động của Ban Chỉ đạo đã đi vào nền nếp. Ban Chỉ đạo đã triển khai công việc khá toàn diện, chú trọng cả phòng và chống, có trọng tâm, trọng điểm, làm đúng chức năng, nhiệm vụ. Chương trình công tác trọng tâm của Ban Chỉ đạo tập trung vào các nội dung: tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng; kiện toàn tổ chức, hoạt động của Ban Nội chính Trung ương (Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng) và các Ban Nội chính các tỉnh, thành ủy (Cơ quan tham mưu cho Tỉnh, thành ủy về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng); tập trung chỉ đạo công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng; công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng. Ban Chỉ đạo đã chọn các khâu yếu, vướng mắc để tìm cách xử lý, như chỉ đạo phối hợp các cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy khâu điều tra nhanh hơn, chính xác hơn, giám định tốt hơn. Cơ chế chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng rõ ràng, hiệu quả hơn. Ban Chỉ đạo đã từng bước thể hiện vai trò trung tâm trong chỉ đạo, phối hợp công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong tình hình hiện nay.

Trong năm 2013, tổ chức và hoạt động của Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhanh chóng được kiện toàn. 63 Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương đã được thành lập và đi vào hoạt động.

Trong năm qua, hai hoạt động nổi bật được dư luận đặc biệt quan tâm, đó là Ban Chỉ đạo đã thành lập 7 đoàn công tác liên ngành làm việc với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban Cán sự đảng Thanh tra Chính phủ và 11 tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương để kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp; trực tiếp kiểm tra, giám sát tại 70 cơ quan, đơn vị trực thuộc. Qua kiểm tra, các đoàn công tác đã đôn đốc, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc; kiến nghị, yêu cầu khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp; kiến nghị chỉ đạo xử lý đối một số vụ việc, vụ án trọng điểm.

Theo thống kê của Ban Nội chính Trung ương, trong năm qua, các cơ quan chức năng đã thụ lý 774 vụ án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng với 1.974 bị can, 707 vụ đã kết thúc điều tra chuyển sang truy tố với 1.594 đối tượng. Trong kỳ báo cáo và qua kiểm tra, giám sát, số lượng các vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố, điều tra bình quân hàng năm là 310 vụ/790 bị can. Số liệu này so với những năm gần đây cho thấy, số lượng vụ án, đối tượng phạm tội tham nhũng bị phát hiện tăng lên. Thực tế này phản ánh diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm tham nhũng trên phạm vi cả nước, đồng thời cũng cho thấy cố gắng của cơ quan điều tra các cấp trong việc tích cực phát hiện, khởi tố, điều tra các vụ án tham nhũng, án kinh tế, chức vụ có dấu hiệu tham nhũng. Đặc biệt, để khắc phục những hạn chế như: tiến độ điều tra, xử lý một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp còn chậm, có những vụ việc để kéo dài không xử lý dứt điểm, một số vụ có biểu hiện xử lý không nghiêm, Ban Chỉ đạo đã chọn và thống nhất đưa 8 vụ án, 2 vụ việc tham nhũng và kinh tế có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, tập trung chỉ đạo xử lý, không để kéo dài gây hoài nghi trong dư luận xã hội.

Với sự chỉ đạo tập trung sâu sát của Ban Chỉ đạo và quyết tâm cao của các cơ quan tiến hành tố tụng, 3 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được đưa ra xét xử với mức án đủ nghiêm, gồm: Vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; Vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon); Vụ án tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Từ nay đến trước Tết Nguyên đán sẽ tiếp tục đưa 2 vụ án nghiêm trọng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm ra xét xử. Việc đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án này có tác dụng răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao quyết tâm của Đảng, Nhà nước cũng như hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo, các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Trong năm qua, Ban Chỉ đạo tiếp tục quan tâm chỉ đạo, đôn đốc việc hoàn thiện thể chế về phòng chống tham nhũng, tạo cơ sở chính trị, pháp lý đồng bộ cho công tác phòng, chống tham nhũng trước mắt cũng như lâu dài. Nhiều văn bản quan trọng về phòng, chống tham nhũng đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Tới đây, Bộ Chính trị sẽ có Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về thực hiện quy định kiểm soát việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, đảng viên. Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01 hướng dẫn áp dụng Điều 60 Bộ luật hình sự quy định chặt chẽ điều kiện hưởng án treo trong các vụ án tham nhũng. Nghị quyết này đã thể hiện rõ thái độ kiên quyết của các cơ quan bảo vệ pháp luật nói riêng, của Đảng, Nhà nước trong việc xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng.

Những kết quả trên kết hợp với hiệu ứng tích cực có được từ đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đã có tác dụng thiết thực, góp phần kiềm chế, ngăn chặn tình trạng tham nhũng hiện nay. Nhìn tổng thể, có thể khẳng định rằng công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2013 đã có những chuyển biến và đạt một số kết quả tích cực, được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao.

* Phóng viên: Trong năm 2013, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã thành lập 7 Đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Những vấn đề rút ra qua thực tế công tác kiểm tra, giám sát tại các bộ ngành, địa phương là gì, thưa đồng chí?

Dương Chí Dũng và các bị cáo trong vụ án ở Vinalines đứng trước vành móng ngựa nghe hội đồng xét xử tuyên án. Ảnh:Doãn Tấn/TTXVN


* Đồng chí Phạm Anh Tuấn: Kết quả làm việc của 7 Đoàn công tác tại các bộ, ngành, địa phương cho thấy: Trong thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng đã chủ động, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời công tác thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng. Từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được tổ chức lại và Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập, tuy thời gian hoạt động chưa dài, nhưng đã kế thừa và phát huy sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, đạt được những kết quả bước đầu, góp phần tạo chuyển biến trong công tác phòng, chống tham nhũng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI) của Đảng. Công tác thanh tra đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần làm rõ các sai phạm, sơ hở, thiếu sót trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, hạn chế tình trạng tiêu cực, tham nhũng. Qua công tác thanh tra đã phát hiện nhiều vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, chuyển Cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật. Công tác phát hiện, khởi tố, điều tra các vụ án tham nhũng được triển khai thực hiện một cách tích cực, hiệu quả hơn. Số vụ án, bị can khởi tố, điều tra đã tăng lên; đã kết thúc điều tra, chuyển truy tố, xét xử dứt điểm một số vụ án tham nhũng trọng điểm, phức tạp, kéo dài. Chất lượng công tác thực hành công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng được nâng lên, số án chuyển tòa án xét xử chiếm tỷ lệ cao trong số án thụ lý của ngành Kiểm sát. Các cấp Tòa án đã có nhiều cố gắng, tập trung đẩy mạnh công tác xét xử các vụ án tham nhũng, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo quy định của pháp luật. Kết quả của công tác phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng đã góp phần kiềm chế, ngăn chặn tình trạng tham nhũng hiện nay.

Tuy nhiên, qua kết quả kiểm tra, giám sát của 7 đoàn công tác cũng như kết quả tự kiểm tra của các tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương cho thấy: số vụ, việc tham nhũng được phát hiện, xử lý qua hoạt động của các cơ quan thanh tra còn thấp. Việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với nhiều vụ án tham nhũng còn kéo dài, trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần. Việc đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, miễn trách nhiệm hình sự trong một số vụ với căn cứ chưa thật thuyết phục; còn tình trạng một số vụ án thay đổi từ tội danh tham nhũng sang tội danh khác nhẹ hơn hoặc không phải là tội danh tham nhũng. Việc xem xét, xử lý các hành vi tham nhũng trong một số trường hợp chưa nghiêm như: chuyển xử lý hành chính, cho hưởng án treo, áp dụng mức án không tương xứng, gây nghi ngờ và dư luận không tốt về chất lượng điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng.

Trên thực tế, hoạt động thanh tra vụ việc, phát hiện tham nhũng, công tác phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng còn có những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong: các quy định của pháp luật; công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan khác có liên quan; tổ chức bộ máy, công tác cán bộ và trang bị, phương tiện, cơ sở vật chất; kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm về tham nhũng…

Nguyên nhân của tình trạng trên là do thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội vẫn còn sơ hở. Một số quy định về tội phạm tham nhũng chưa có hướng dẫn thống nhất của các ngành Tư pháp Trung ương dẫn đến khó khăn trong áp dụng pháp luật. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế như hiện nay, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, đáng chú ý là tính có tổ chức của tội phạm tham nhũng ngày càng cao, nhiều vụ việc có diễn biến rất phức tạp, trong khi Bộ luật hình sự chưa theo kịp và tương thích với tình hình kinh tế- xã hội hiện nay. Các quy định của Luật giám định tư pháp liên quan đến giám định tài chính, ngân hàng, xây dựng, đất đai chưa cụ thể, chưa rõ tính bắt buộc và chế tài xử lý gây khó khăn trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, án kinh tế, chức vụ. Việc thực hiện Kết luận thanh tra chưa có chế tài cụ thể, đủ mạnh để buộc các đối tượng thanh tra phải chấp hành dẫn đến hiệu lực thanh tra chưa cao. Tổ chức bộ máy của các cơ quan điều tra cũng cần được nghiên cứu, điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tình hình hiện nay. Một số nơi, cấp ủy, lãnh đạo các ngành chưa thực sự quan tâm đến công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, báo tin tội phạm…

Qua kiểm tra, giám sát, các đoàn công tác đã có các đề xuất kiến nghị cụ thể đối với: Bộ Chính trị, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an; Ban Cán sự đảng và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Ban Cán sự đảng và Tòa án nhân dân tối cao; Ban Cán sự đảng và Thanh tra Chính phủ; Ban Thường vụ, Thường trực các tỉnh ủy, thành ủy.

Có thể khẳng định rằng: việc thành lập 7 đoàn công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo là chủ trương đúng đắn cần thiết, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống tham nhũng trong tình hình hiện nay. Qua kiểm tra, giám sát đã giúp cho cấp ủy, tổ chức đảng được kiểm tra, giám sát nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. Các cơ quan, tổ chức được kiểm tra, giám sát thấy được những ưu điểm cũng như những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, từ đó có những giải pháp khắc phục kịp thời.

* Phóng viên: Để đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng theo Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, xin đồng chí cho biết những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014?

* Đồng chí Phạm Anh Tuấn:
Năm 2014 là năm rất quan trọng, chuẩn bị đại hội Đảng các cấp; công tác phòng, chống tham nhũng là vấn đề lớn, dư luận rất quan tâm. Vì vậy, yêu cầu chung đặt ra là tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, làm tích cực hơn, quyết liệt hơn nữa, tạo chuyển biến tốt hơn, rõ rệt hơn năm 2013.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng sẽ tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện một số nội dung cụ thể: Tiếp tục quan tâm chỉ đạo việc hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế-xã hội để phòng, chống tham nhũng, quy định, tổ chức về giám định tư pháp phục vụ đấu tranh phòng chống tham nhũng; quy định về các điều kiện giảm án, tha tù đối với các đối tượng phạm tội tham nhũng theo hướng chặt chẽ hơn.

Ban Chỉ đạo Trung ương tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ việc, vụ án tham nhũng, tập trung vào một số vụ việc nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao: quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan; quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; trong đó tập trung vào các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc.

Qua thực tiễn xử lý 8 vụ án và 2 vụ việc, Ban Chỉ đạo thống nhất sẽ bổ sung hàng chục vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc, các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo đôn đốc trong năm 2014. Dự kiến, trong thời gian tới, các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ sớm đưa tiếp một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp ra xét xử: Vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép và trốn thuế; Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tham nhũng xảy ra tại Phòng giao dịch Ngân hàng Công thương Việt Nam, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh; Vụ án tham ô xảy ra tại Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam thuộc Vinalines.

Ban Chỉ đạo Trung ương tiếp tục triển khai Kế hoạch 08 của Bộ Chính trị về việc kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; tiếp tục thành lập một số đoàn công tác để kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các địa phương còn có hạn chế trong phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng.

Các thành viên Ban Chỉ đạo quan tâm kiểm tra đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng tại các cơ quan, tổ chức, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương. Việc kiểm tra cần tập tập trung mạnh vào công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng đồng thời với việc thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng ngừa.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng chống tham nhũng gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về công tác xây dựng Đảng, Chỉ thị 03 về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, với sự đồng thuận, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tôi tin rằng công tác phòng, chống tham nhũng sẽ có bước chuyển mạnh mẽ, đóng góp thiết thực trong công tác xây dựng Đảng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

* Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!


Hương Thủy
Tạo chuyển biến rõ rệt về phòng chống tham nhũng
Tạo chuyển biến rõ rệt về phòng chống tham nhũng

Sáng 25/12, tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp phiên thứ 4. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì phiên họp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN