Bị cáo Cấn Thị Thêu đứng trước vành móng ngựa. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Tòa nhận định, hành vi của bị cáo Thêu thể hiện ý thức coi thường pháp luật, cần áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc đối với bị cáo để giáo dục, cải tạo và phòng ngừa chung.
Tại phiên tòa, có mặt 4 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo Cấn Thị Thêu (sinh năm 1962, trú tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội), 2 người làm chứng, đại diện Ban Tiếp dân thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo cáo trạng công bố tại phiên tòa: Khoảng 9h ngày 8/4/2016, tại trước cửa trụ sở Tiếp dân Bộ Tài nguyên và Môi trường, thuộc khu làm việc liên cơ quan - 79 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ (quận Đống Đa, Hà Nội), Cấn Thị Thêu cùng một số đối tượng có hành vi tụ tập đông người, sau đó có những biểu hiện kích động, quá khích, giơ các băng rôn, khẩu hiệu và lao xuống lòng đường, nằm ra đường, gây cản trở, ách tắc giao thông trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh vào thời điểm có mật độ tham gia giao thông cao, ảnh hưởng đến các phương tiện và người dân tham gia giao thông.
Trong phần xét hỏi và phần tranh tụng tại phiên tòa, bị cáo Cấn Thị Thêu đều không thừa nhận hành vi gây rối trật tự công cộng như cáo trạng nêu, không công nhận những hình ảnh đã trình chiếu tại phiên tòa. Cả 4 luật sư bào chữa của bị cáo cũng đều chung nhận định bị cáo không có hành vi gây rối trật tự công cộng, đề nghị Tòa tuyên bố bị cáo vô tội.
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử đã lấy lời khai của 2 người làm chứng có mặt tại phiên tòa, công bố lời khai của 3 người làm chứng khác vắng mặt tại phiên tòa, xem xét cho trình chiếu dữ liệu hình ảnh trong Camera đã được trưng cầu giám định Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), các chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án… Những chứng cứ này thể hiện sự việc sáng 8/4/2016, Cấn Thị Thêu cùng một số người có hành vi hô hào, giơ các băng rôn, khẩu hiệu và lao xuống lòng đường, nằm ra đường gây cản trở, ách tắc giao thông trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh vào thời điểm có mật độ tham gia giao thông cao. Đến khoảng 12h các lực lượng chức năng điều tiết giao thông mới trở lại bình thường. Việc ách tắc giao thông đã làm cản trở đến hoạt động bình thường các cơ quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường như: Ban Tiếp dân, Tổng cục Biển và Hải đảo… gây mất trật tự trị an trong khu vực.
Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử nhận định: Việc bị cáo và luật sư bào chữa lập luận cho rằng bị cáo Cấn Thị Thêu không thực hiện những hành vi nêu trên và bị oan là không có căn cứ chấp nhận. Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân quận Đống Đa truy tố bị cáo về tội danh “Gây rối trật tự công cộng” là có căn cứ pháp luật.
Hội đồng xét xử đã kết luận: Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây mất trật tự nơi công cộng, gây cản trở giao thông, cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo Thêu đều ngoan cố không nhận tội. Trước đó, bản thân bị cáo đã có 1 tiền án 15 tháng tù giam về tội “Chống người thi hành công vụ” và 4 tiền sự về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”. Do vậy lần phạm tội này của bị cáo thuộc trường hợp tái phạm, là tình tiết tăng nặng khi định hình mức phạt.
Mặc khác, sau khi chấp hành xong hình phạt tù về tội “Chống người thi hành công vụ”, bị cáo Thêu không lấy đó làm bài học, mà lại tiếp tục phạm tội mới, điều đó thể hiện ý thức coi thường pháp luật của bị cáo. Vì vậy, Hội đồng xét xử quyết định cần áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc và cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian để giáo dục, cải tạo bị cáo cũng như phòng ngừa chung. Trên cơ sở đó, Tòa đã tuyên án phạt bị cáo Cấn Thị Thêu 20 tháng tù giam về tội “Gây rối trật tự công cộng”.