Cần thiết di dời khu công nghiệp Biên Hòa 1

Ngày 8/7, đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội cùng đại diện các bộ đã đi khảo sát và làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về chủ trương di dời KCN Biên Hòa 1 để chuyển đổi công năng thành khu đô thị - dịch vụ - thương mại. Đồng ý với chủ trương này nhưng đa số các đại biểu và doanh nghiệp đều cho rằng, tỉnh cần phải có chính sách và cơ chế đặc thù để đảm bảo doanh nghiệp hoạt động ổn định, có hiệu quả.


Ô nhiễm trầm trọng


KCN Biên Hòa 1 nằm ngay trung tâm TP Biên Hòa (phường An Bình), được thành lập cách đây gần 50 năm. Hiện đây là nơi gây ra ô nhiễm cho sông Đồng Nai và khu vực trung tâm thành phố Biên Hòa. Theo số liệu quan trắc quốc gia tại KCN Biên Hòa 1 cho thấy, nồng độ các chất ô nhiễm như: bụi, SO2, NO2, CO... đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Bên cạnh đó, tổng lượng nước thải bình quân của KCN Biên Hòa 1 là khoảng 9.050 m3/ngày. Tuy nhiên, hầu hết các nhà máy trong KCN này đều không có hệ thống xử lý nước thải riêng và cũng khó có thể thực hiện việc tách riêng hệ thống nước mưa và hệ thống nước thải trong nội bộ nhà máy để đấu nối vào hệ thống nước thải chung của KCN. Vì vậy, một lượng lớn nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất tại KCN Biên Hòa 1 được xả trực tiếp xuống sông Đồng Nai mà chưa qua bất kỳ một công đoạn xử lý nào. Khảo sát tại một số tuyến kênh thoát nước thải trong KCN cho thấy, hầu hết nước trong kênh đều có màu đen và bốc mùi hôi thối. Chị Nguyễn Thị Huyền Vân - người dân sống ngay chân cầu Ông Gia (KCN Biên Hòa 1), cho biết: “Nước ở đây bốc mùi hôi lắm. Ngày nào cũng vậy, không kể nắng hay mưa, ngày hay đêm, chúng tôi đều phải đóng cửa mới ngủ yên được”.


Hầu hết các tuyến kênh thoát nước trong KCN Biên Hòa 1 đều bốc mùi và đen ngòm.


Trong khi đó, theo đánh giá của Tổng cục Bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện ô nhiễm môi trường lưu vực sông Đồng Nai đang ở mức báo động đỏ. Chất lượng nước bị ô nhiễm do chất rắn lơ lửng, phú dưỡng hóa và vi sinh, đặc trưng là hàm lượng DO, TSS, COD, Fe, E.coli và Coliform vượt so với tiêu chuẩn cho phép.


Đặc biệt mới đây, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM, cũng đã có công văn gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị sớm di dời KCN Biên Hòa 1 để giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước và bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai nhằm góp phần cải thiện nguồn nước cấp cho khoảng 20 triệu dân trên lưu vực sông Đồng Nai nói chung và gần 10 triệu dân TP.HCM nói riêng.

Ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội:

Cần có quyết tâm chính trị rất lớn

Đoàn công tác ủng hộ chủ trương di dời KCN Biên Hòa 1 ra khỏi khu dân cư, bởi đây cũng là chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm bảo vệ sức khỏe người dân. Hiện KCN Biên Hòa 1 lọt thỏm trong khu dân cư, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng và ô nhiễm không chỉ riêng Đồng Nai mà còn các tỉnh lân cận như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM... Việc di dời là cần thiết, quan trọng nhưng rất khó, nên cần có quyết tâm chính trị rất lớn. Việc di dời 1 doanh nghiệp đã khó, di dời cả KCN là chưa có tiền lệ. Bên cạnh đó, việc đảm bảo, giải quyết ổn định cho 26.000 công nhân và gia đình của họ hiện nay cũng là vấn đề. Chúng tôi sẽ có nghiên cứu về cơ chế đặc thù để báo cáo với Quốc hội.

Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND
tỉnh Đồng Nai:

Hoàn thành sứ mệnh lịch sử

Ngoài việc cấp thiết là bảo vệ môi trường sông Đồng Nai, thì việc chuyển đổi, di dời KCN Biên Hòa 1 còn phù hợp với định hướng phát triển thành phố Biên Hòa và quy hoạch vùng. KCN này đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó. Chúng tôi đã xem xét không thể cải tạo KCN này được như các KCN được hình thành sau này. Hiện nhiều doanh nghiệp trong KCN gây ô nhiễm nhưng không chịu đầu tư, đổi mới công nghệ. Nếu không chuyển đổi, khi chúng tôi kiểm tra, doanh nghiệp nào vi phạm hoặc máy móc quá hạn cũng phải bị đóng cửa. Hiện doanh nghiệp mới còn vi phạm, chứ đừng nói là doanh nghiệp đầu tư cách đây 50 năm.

Ông Võ Tuấn Nhân - Phó chủ nhiệm
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường:

Một trong ba trọng điểm gây ô nhiễm

Tôi ủng hộ chủ trương đổi mới công năng KCN Biên Hòa 1, bởi đây là một trong ba trọng điểm gây ô nhiễm môi trường sông Đồng Nai. Tuy nhiên đây là dự án lớn, đòi hỏi nguồn lực cao. Qua khảo sát các doanh nghiệp cho thấy, sự lo ngại của họ là có lý, bởi nhà máy đang sản xuất ổn định, khi di dời phải tháo lắp, thay thế máy móc với chi phí lớn; công nhân phải di chuyển xa và vấn đề giải quyết chính sách xã hội cho họ như thế nào. Theo tôi, cần có lộ trình chuyển đổi cho phù hợp và phải có cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp.

Ông Bùi Đức Thụ, ủy viên thường trực
ủy ban Tài chính ngân sách:

Cần đánh giá lại tác động của việc di dời

Việc di dời KCN Biên Hòa 1 là cần thiết, bởi ô nhiễm môi trường là tương đối lớn, người dân đã phản ánh nhiều. KCN này đầu tư sớm, công nghệ lạc hậu, hệ thống nước thải và nước mưa không tách được mà đầu tư lại thì rất tốn kém. Hơn nữa, KCN lại nằm trong khu đô thị, gây bất lợi cho giao thông và ô nhiễm nguồn không khí. Tôi đồng ý với chủ trương di dời, nhưng đây là sự di chuyển lớn, ảnh hưởng lớn đến đời sống và việc làm của người lao động. Để di dời một dự án lớn như thế, cần đánh giá lại tác động của việc di dời đối với kinh tế xã hội. Ngoài ra, cần tính toán lại quy hoạch khi di dời và cần cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp về thuế, về vốn...


Theo UBND TP.HCM, sông Đồng Nai hiện là nguồn cung cấp nước quan trọng cho sinh hoạt, sản xuất, góp phần phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của TP.HCM cũng như các tỉnh lân cận. Đến năm 2025, tổng nhu cầu nước sạch của TP.HCM là 3,7 triệu m3/ngày đêm, trong đó nguồn nước từ sông Đồng Nai cung cấp là 2,5 triệu m3/ngày đêm. Tuy nhiên, môi trường nước của hệ thống sông Đồng Nai đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi lượng nước thải từ nhiều nguồn như công nghiệp, sinh hoạt, nông nghiệp... Tình trạng ô nhiễm trên sông Đồng Nai tiếp tục tăng và có nguy cơ vượt quá mức xử lý của các nhà máy nước. Trong đó, nước thải từ KCN Biên Hòa 1 cũng là một trong các nguồn thải lớn gây ô nhiễm sông Đồng Nai. “Từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương di dời KCN Biên Hòa 1. Với vai trò là thành viên của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai, UBND TP nhận thấy việc chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 mang lại nhiều lợi ích trong việc bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai và ủng hộ việc triển khai dự án này của tỉnh Đồng Nai”- công văn nêu rõ.

Doanh nghiệp đồng tình nhưng còn e ngại


Khảo sát tại các doanh nghiệp cho thấy, đa phần các doanh nghiệp đều đồng tình với chủ trương di dời KCN này. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn e ngại, bởi quá trình di dời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.


Ông Phan Văn Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam, cho biết: Việc di dời KCN Biên Hòa 1 là cần thiết để bảo vệ môi trường và bảo vệ cảnh quan, nhưng cần phải có lộ trình. Doanh nghiệp nào gây ô nhiễm nhiều thì phải di dời trước, doanh nghiệp nào gây ô nhiễm ít thì di dời sau. Việc di dời rất tốn kém vì doanh nghiệp gần như phải đầu tư từ đầu nên phải có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp di dời cần nguồn vốn rất lớn, nên cần có chế độ khoanh nợ, giãn nợ... cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, người lao động chịu rất nhiều thiệt thòi, có thể mất việc nên cần có chính sách hỗ trợ cho họ.


Trong khi đó, ông Bùi Mạnh Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần cơ khí thực phẩm và xây lắp Biên Hòa, cho rằng, di dời KCN này tốt cho doanh nghiệp, thế nhưng phải có chính sách phù hợp như đền bù đất đai, máy móc, kiến trúc, hỗ trợ thỏa đáng... cho doanh nghiệp. Theo ông Hòa, ngành cơ khí cần nhân công lâu năm, tay nghề cao nhưng di dời xa, nhiều người bỏ việc thì công ty sẽ gặp khó khăn. Hiện công ty có đến 40% công nhân là thợ bậc 7-8.


Còn theo đại diện Công ty cổ phần đường Biên Hòa, việc di dời quá gấp sẽ ảnh hưởng đến hoạt động, sự tồn vong của doanh nghiệp. Theo tính toán, tổng chi phí di dời của công ty lên đến trên 135 tỷ đồng. Nếu Chính phủ quyết định di dời, công ty sẽ chấp hành nhưng cần có chính sách cho doanh nghiệp như ưu đãi thuê đất, miễn giảm thuế, hỗ trợ thỏa đáng cho doanh nghiệp khi di dời...


KCN Biên Hòa 1 hiện có 107 doanh nghiệp, trong đó có 96 doanh nghiệp đang hoạt động và 11 doanh nghiệp chưa triển khai hoặc ngưng hoạt động. Để di dời KCN Biên Hòa 1 không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ và ưu đãi đối với các doanh nghiệp di dời theo hướng: Được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo, áp dụng khi doanh nghiệp sản xuất có lợi nhuận; giảm 100% mức thuế nhập khẩu nguyên liệu, sản phẩm trong thời gian di dời phải tạm ngưng sản xuất; giảm 100% thuế nhập khẩu đối với các máy móc thiết bị đầu tư cho nhà máy khi di dời vào KCN; được ưu tiên vay vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư phát triển và các quỹ đầu tư khác với lãi suất ưu đãi...


Minh Thuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN