Đánh giá về Chương trình, đại biểu Tô Ái Vang, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cho rằng cần thiết tiếp tục thực hiện Chương trình này để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn tiếp theo, vì đây vẫn là vùng luôn gặp nhiều khó khăn so với các vùng, miền khác. Nhà nước đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm cho vùng đồng bào dân tộc để mở rộng hệ thống điện, đường, trường, trạm, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho người dân.
Trong 5 năm gần đây, các chương trình, chính sách, dự án đầu tư vào vùng dân tộc đã được các cấp, các ngành tỉnh Sóc Trăng quan tâm triển khai kịp thời, có hiệu quả. Đặc biệt, Chương trình 135 được đầu tư trên 446 tỷ đồng, thực hiện hỗ trợ duy tu bảo dưỡng công trình, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở, cộng đồng. Các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt... cũng được tỉnh tập trung thực hiện, với tổng số hơn 1.675 tỷ đồng. Qua đó, hỗ trợ xây dựng 219 giếng khoan, nâng cấp, mở rộng 25 công trình nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 4.054 hộ nghèo và thực hiện hỗ trợ đất ở, vay vốn chuộc lại đất sản xuất và vay vốn tạo việc làm, phát triển sản xuất, hỗ trợ lao động học nghề cho 7.846 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo...
Từ đó, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số Sóc Trăng được nâng lên. Bà con thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Sóc Trăng mạnh mẽ. Tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh đến cuối năm 2020 dự kiến còn khoảng 2,9%; trong đó hộ dân tộc thiểu số Khmer nghèo còn dưới 5,6%.
Với chủ trương của Đảng và Nhà nước là “không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Tô Ái Vang đề nghị Quốc hội ban hành bổ sung Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030 mang tính tổng thể, toàn diện, lâu dài; trên cơ sở tích hợp các hệ thống chính sách đang áp dụng hiện hành và tổng hợp các nguồn vốn còn phân tán hiện nay.
Bà Tô Ái Vang cho rằng, Chương trình này cần làm rõ mối quan hệ, phân biệt phạm vi, đối tượng, tránh chồng chéo với hai chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; cần tích hợp các cơ chế, chính sách, tích hợp nguồn lực nhằm thu gọn đầu mối đủ mạnh để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tháo gỡ những nút thắt của vùng lõi. Qua đó, giúp đồng bào dân tộc thiểu số giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân…
Đồng quan điểm với bà Tô Ái Vang, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng Lâm Sách cũng cho rằng, các chương trình mục tiêu quốc gia đã nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Việc tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là thật sự cần thiết, để thu hẹp khoảng cách giữa miền xuôi và miền núi, nâng cao đời sống cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số vốn còn nhiều khó khăn.
Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Trung ương cần ban hành văn bản hướng dẫn song song với các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư cho vùng khó khăn; vốn phân bổ đảm bảo theo định mức và ngay từ đầu năm nhằm giúp cho địa phương tổ chức triển khai kịp thời và hiệu quả. Về cơ chế quản lý, cần có văn bản hướng dẫn thống nhất từ Trung ương đến địa phương và chính sách cần mang tính chiến lược bền vững lâu dài, hiệu quả.
Trung ương cần tiếp tục ban hành các chính sách giảm nghèo, trong đó tập trung cho các chính sách về hỗ trợ việc làm; tăng mức hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; có chính sách riêng cho tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để góp phần ổn định, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững...