Theo đó, những trường hợp F1 được cách ly tại nhà là những người đã được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng COVID-19, người từ 60 tuổi trở lên, người có bệnh nền, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người dưới 18 tuổi (khi đồng thời có người chăm sóc, cách ly cùng). Các trường hợp F0 cách ly, điều trị tại nhà là người nhiễm SARS-CoV-2 được khẳng định dương tính bằng xét nghiệm RT-PCR, không có triệu chứng lâm sàng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ như: Sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi; không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ôxy, nhịp thở bằng hoặc dưới 20 lần/phút, SpO2 bằng hoặc trên 96% khi thở khí trời; không có thở bất thường như: Thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè; đáp ứng thêm tối thiểu một trong hai tiêu chí: đã tiêm đủ 2 mũi hoặc một mũi vaccine phòng COVID-19 sau 14 ngày, có đủ 3 yếu tố sau (từ 1 tuổi trở lên, không có bệnh nền, không đang mang thai).
Việc thực hiện cách ly F1 tại nhà kéo dài trong vòng 14 ngày và tiếp tục theo dõi sức khỏe 14 ngày tiếp theo. Người mắc COVID-19 (F0) điều trị tại nhà được trạm y tế theo dõi, quản lý tối thiểu 14 ngày và kết thúc cách ly điều trị tại nhà khi đáp ứng 1 trong 2 điều kiện: Có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc nồng độ virus thấp vào trước ngày kết thúc cách ly; đã được cách ly điều trị tại nhà đủ 21 ngày tính từ ngày có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Các F1, F0 được cách ly, điều trị tại nhà phải có ý thức tốt, cam kết và tuân thủ việc thực hiện đúng các quy định cách ly tại nhà theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, người thân trong gia đình phải có ý thức tốt, cam kết và tuân thủ việc theo dõi hỗ trợ người được cách ly tại nhà trong suốt thời gian cách ly có quyết định thực hiện cách ly tại nhà của cơ quan có thẩm quyền và chịu sự thẩm định kiểm tra, giám sát thường xuyên của cơ quan Y tế, Tổ COVID-19 cộng đồng, địa phương nơi cư trú, đảm bảo đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho cách ly y tế tại nhà theo quy định.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, việc cách ly các F1 tại nhà góp phần giảm tải về nhân lực, trang thiết bị, chi phí cho các khu cách ly tập trung, hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo tại các cơ sở cách ly tập trung, tạo điều kiện cho người được cách ly làm việc tại nhà và tâm lý thoải mái.
Đối với bệnh nhân F0 được cách ly, theo dõi tại nhà góp phần giảm tải về nhân lực, trang thiết bị chi phí cho các khu điều trị tầng 1 để có thể tăng cường nhân lực hỗ trợ cho tầng 2, tầng 3, giảm chi phí điều trị và quản lý tại các cơ sở điều trị, tập trung nguồn lực điều trị người mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ, trung bình và nặng có hiệu quả, đồng thời vẫn đảm bảo được mục tiêu điều trị thành công khi mắc COVID-19.
Để hỗ trợ tốt cho các trường hợp F1, F0 cách ly, theo dõi tại nhà, UBND thành phố Cần Thơ giao Sở Y tế hướng dẫn việc triển khai phối hợp với chính quyền địa phương, các Trung tâm Y tế quận, huyện chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát chặt chẽ, chỉ định điều trị, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho người cách ly, điều trị theo quy định; xây dựng phương án kiện toàn Trạm Y tế lưu động, bổ sung nhân lực, dự trù mua sắm trang thiết bị, thuốc hóa chất, vật tư y tế phục vụ cho công tác quản lý, theo dõi cách ly F1, điều trị F0 tại nhà.
UBND thành phố Cần Thơ cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thành phố quan tâm hỗ trợ cho các trường hợp cách ly tại nhà thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách và hỗ trợ giám sát việc thực hiện cách ly tại nhà trên địa bàn; UBND quận, huyện huy động mọi nguồn lực tham gia hỗ trợ như y tế công lập và tư nhân, Hội chữ thập đỏ, Hội Đông y, Y tế học đường và cán bộ y tế về hưu tham gia công tác quản lý điều trị F0 tại địa phương. Trung tâm Y tế quận, huyện thành lập tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng, công bố số điện thoại đường dây nóng của Trung tâm Y tế và Trạm Y tế, Trạm Y tế lưu động để người mắc COVID-19 tại nhà kịp thời thông báo tình hình sức khỏe và các vấn đề phát sinh trong quá trình cách ly; Trạm Y tế, Trạm Y tế lưu động thực hiện khám, cấp thuốc điều trị các bệnh thông thường, các bệnh mãn tính cho người cách ly tại nhà...
Theo báo cáo của Sở Y tế thành phố Cần Thơ, từ ngày 8/7 đến 19/11, thành phố ghi nhận 15.780 trường hợp mắc COVID-19, trong đó, có 1 trường hợp tử vong, 8.943 trường hợp được điều trị khỏi. Đáng chú ý, từ đầu tháng 11 đến nay, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố Cần Thơ liên tục tăng, đặc biệt, trong ngày 19/11, địa phương ghi nhận số ca mắc kỷ lục (kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay) với 939 trường hợp, trong đó, địa phương có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất là quận Ninh Kiều.
Công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Cần Thơ gần quá tải khi số giường bệnh điều trị ở 3 tầng là 3.100 giường nhưng đã lắp đầy 3.039 giường, trong đó, có 112 bệnh nhân nặng, nguy kịch phải thở ôxy, thở máy...
Trong khi đó, việc tiêm vaccine ở Cần Thơ mới chỉ đạt 73,2% trên tổng dân số, trong đó, tỷ lệ người tiêm đủ 2 mũi đạt 44,8%. Đến thời điểm này, Cần Thơ vẫn chưa triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.