Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: TTXVN
|
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, vụ việc chạy thận tại Hòa Bình là sự cố rất nghiêm trọng làm chết đến 9 người. Ngay từ ban đầu theo dõi vụ việc này ông không đồng tình đưa ra truy tố, kết tội và thậm chí là đề xuất mức án, cho dù đây là mức án mang tính chất trung dung đối với bác sĩ Lương.
"Tôi cho rằng xét về các yếu tố và căn cứ pháp lý, chứng cứ cho thấy việc truy tố, kết tội bác sĩ là rất yếu, có thể nói là không đủ sức thuyết phục đối với cả các quy định pháp luật cũng như với dư luận nhân dân", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi về vấn đề dư luận quan tâm hiện nay là trách nhiệm của nguyên Giám đốc bệnh viện đa khoa Hòa Bình, ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết, trong khi Đảng và Nhà nước đang chỉ đạo và thực hiện việc quy trách nhiệm người đứng đầu, đặc biệt là trách nhiệm là Giám đốc bệnh viện đứng ra ký kết các hợp đồng thì vụ việc vừa rồi, người đứng đầu ký xong lại không kiểm soát hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm, thậm chí có khả năng có lợi ích nhóm ở trong đó để dẫn tới sự cố như thế này.
"Tôi cho rằng đây là vấn đề cần xem xét lại và có khả năng chúng ta đang bỏ lọt tội phạm và thậm chí là lọt tội phạm nguy hiểm", ông Nhưỡng phân tích.
Về mức án Viện kiểm sát đề nghị đối với bác sĩ Hoàng Công Lương là 30 - 36 tháng tù - cho hưởng án treo, ông Nhưỡng cho rằng, án treo không phải là hình phạt, đây là biện pháp tư pháp. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa là bác sĩ Lương là người có tội, trong khi nhìn nhận của xã hội thì bác sĩ là người vô can.
Ông Nhưỡng cho rằng, cần phải chỉ rõ, phân tích từng chức năng nhiệm vụ và riêng Giám đốc bệnh viện thì phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Đã là Giám đốc bệnh viện thì là người đứng đầu, phải chịu trách nhiệm hết tất cả, nên dư luận mới cho rằng bỏ lọt Giám đốc bệnh viện, thậm chí ông này còn đang đi nước ngoài, người được ủy quyền cũng không đến phiên tòa thì đó là điều đáng buồn.
Theo ông Nhưỡng, nếu như bác sĩ Lương vẫn bị xử phạt với mức án treo thì không chỉ làm hạn chế, xâm hại quyền lợi của bác sĩ mà còn là xâm hại tới quyền lợi của người dân được bác sĩ này cứu chữa. Cùng với đó, câu chuyện này khiến không chỉ là bác sĩ, mà nhiều giáo sư, tiến sĩ trong ngành y cũng rất e ngại, không chỉ là chùn tay mà còn rất sợ là nạn nhân tiếp theo của việc được gọi là nhận định quy kết đánh giá không công bằng với chức năng, nhiệm vụ của họ thành tội trạng.