Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, Luật Sở hữu trí tuệ là một bộ luật lớn, có liên quan đến nhiều chuyên ngành và nhiều luật khác. Thời gian qua, quá trình thực thi Luật này đã phát sinh nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế, vì vậy, sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sở hữu trí tuệ là rất cần thiết hiện nay.
Đóng góp vào các nội dung cụ thể của Dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng: Về đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, mục 1, 2 Điều 86 của Dự thảo thực chất đều giao cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học dù ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ hoặc hỗ trợ một phần. Vì vậy, cần gộp chung vào một khoản quy định cho thống nhất; đồng thời quy định cụ thể nghĩa vụ tài chính của tổ chức chủ trì nhiệm vụ khi khai thác thương mại hóa sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra, tránh tình trạng lợi dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước để tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thành tài sản riêng của tổ chức đó, đến khi khai thác, thương mại hóa không trích phần lợi nhuận cho Nhà nước và cộng đồng.
Đối với nội dung thủ tục đăng ký quyền tác giả, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp, đại biểu đề nghị xem xét lại thời gian giải quyết thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là đối với các thủ tục về sở hữu công nghiệp. Thực tế là nhiều tổ chức, cá nhân ngại đăng ký vì chủ thể phải chờ đợi thời gian dài trên 1 năm mới có kết quả. Bên cạnh đó, theo quy định hiện nay, bằng kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực 5 năm từ ngày nộp đơn, trong khi đó có trường hợp 2 năm sau khi nộp đơn mới được cấp bằng nên chủ thể chỉ còn thực tế 3 năm khai thác quyền sở hữu. Vì thế, cần xem lại thời gian xử lý hồ sơ và thời hạn văn bằng bảo hộ có hiệu lực.
Về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan, đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm tác giả, đồng tác giả của tất cả các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.
Về chính sách của Nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga mong muốn Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu với Chính phủ thống nhất đưa vào dự thảo Luật những quy định cụ thể về hoạt động sáng kiến để các địa phương quản lý, triển khai rõ ràng, mạch lạc, tránh tình trạng thực hiện hình thức, chưa đúng bản chất sáng kiến.
Liên quan đến hoạt động hỗ trợ sở hữu trí tuệ, Khoản 3 Điều 8 Dự thảo Luật đề cập chính sách hỗ trợ tài chính, đại biểu cho rằng cần nghiên cứu bổ sung các chính sách hỗ trợ khác như: Phương tiện vật chất, kỹ thuật, xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Hiện nay, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng tăng, nhiều trường hợp khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đưa vào sử dụng mới phát hiện xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại của tổ chức, cá nhân khác. Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và dự thảo Luật lần này khi quy định về kiểu dáng công nghiệp chưa quy định cụ thể về việc hình dáng có dấu hiệu trùng hoặc tương tự nhãn hiệu, tên thương mại của tổ chức, cá nhân khác đã được bảo hộ; cũng chưa quy định về hình dáng có chứa dấu hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý nơi có đặc sản của địa phương giống với sản phẩm mang kiểu dáng. Điều này dễ xảy ra tình trạng lợi dụng việc đăng ký kiểu dáng công nghiệp dạng bao bì sản phẩm để được bảo hộ các dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác. Vì vậy, đại biểu đề nghị dự thảo Luật bổ sung thêm các quy định khác về bảo hộ nhãn hiệu để theo đúng cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập.