Căng thẳng tại Ukraine chưa được tháo gỡ

Mặc dù Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich đã đưa ra thỏa thuận mang tính nhượng bộ, song phe đối lập ngày 26/1 vẫn tuyên bố thỏa thuận này "chưa đủ" để chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều ngày qua ở Ukraine.


 

Cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều ngày qua ở Ukraine.Ảnh: AFP/TTXVN




Trả lời phỏng vấn của báo "Bild am Sonntag" (Đức), thủ lĩnh đảng UDAR đối lập Vitali Klitschko coi việc ông Yanukovich mời phe đối lập tham gia chính phủ là "hành động đầu độc" nhằm chia rẽ phong trào đối lập. Các thủ lĩnh đối lập khác tỏ ra thận trong, không chấp nhận và cũng không bác bỏ thẳng thừng các đề xuất của ông Yanukovich. Họ yêu cầu tiếp tục đàm phán, hủy bỏ các đạo luật về biểu tình và kêu gọi bầu cử tổng thống trước thời hạn vào năm nay chứ không phải năm 2015.

Văn phòng Tổng thống cho biết ông Yanukovich sẵn sàng xem xét việc thay đổi Hiến pháp nhằm giảm bớt quyền lực của tổng thống và trao thêm quyền hạn cho thủ tướng. Tuy nhiên, ông không đáp lại yêu cầu chính của phe đối lập đòi tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn và không có dấu hiệu sẵn sàng trả tự do cho cựu Thủ tướng Yulia Timoshenko đang bị giam giữ. 

Tối 25/1, ông Yanukovich đề nghị trao chức thủ tướng cho thủ lĩnh khối đảng "Batkivshina" đối lập Arseniy Yatsenyuk, và trao chức phó thủ tướng cho ông Klitschko.

Trong khi đó, làn sóng biểu tình chống chính phủ vẫn đang lan rộng trên toàn Ukraine. Tình hình tại thủ đô Kiev rất căng thẳng. Người biểu tình đã chiếm trụ sở Bộ Tư pháp, đập vỡ các cửa kính của tòa nhà và dùng thùng rác làm chướng ngại vật bao quanh tòa nhà này. 

Hàng nghìn người biểu tình khác đã chiếm trụ sở chính quyền địa phương ở 4 thành phố lớn như Dniepropetrovsk, Sumy và Zaporizhya, những nơi cử tri theo truyền thống vẫn ủng hộ ông Yanukovich. 

Người biểu tình còn chiếm trụ sở của các cơ quan công quyền ở 10 khu vực miền Tây, nơi được coi là "lãnh địa" của phe đối lập, để phản đối những người đứng đầu khu vực do Tổng thống Yanukovich bổ nhiệm. Quyền lực trên thực tế tại 2 khu vực bị chiếm đóng đã được trao cho cái gọi là "Cơ quan lập pháp của nhân dân" do người biểu tình tự dựng lên. Các cơ quan lập pháp ở khu vực Ivano-Frankivsk và Ternopol, thậm chí đã thông qua quyết định đình chỉ hoạt động của đảng Các khu vực cầm quyền.

Theo kế hoạch, Quốc hội Ukraine sẽ họp phiên bất thường vào ngày 28/1 tới để thảo luận những vấn đề "nóng" nhất trong cuộc khủng hoảng hiện nay, bao gồm việc thay đổi các đạo luật về biểu tình.


TTXVN/Tin Tức
Ukraine: Biểu tình lan rộng, chính phủ mất kiểm soát 14/25 tỉnh
Ukraine: Biểu tình lan rộng, chính phủ mất kiểm soát 14/25 tỉnh

Hiện những người ủng hộ phe đối lập đã chiếm giữ các văn phòng chính quyền địa phương ở 10 thành phố, đồng nghĩa với việc 14 trên tổng số 25 tỉnh của Ukraine trên thực tế đã tuột khỏi tầm kiểm soát của chính phủ trung ương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN