Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang khẳng định, đây là dịp lực lượng Cảnh sát Kinh tế các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cùng nhau phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, trao đổi kinh nghiệm, cách làm hay và những khó khăn, hạn chế trong công tác phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, qua đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi, tính chất, mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng hơn.
Do đó, lực lượng Cảnh sát Kinh tế các tỉnh, thành phố trong khu vực cần phát huy truyền thống tốt đẹp, làm tốt vai trò, chức trách, nhiệm vụ được giao, tiếp tục là lực lượng nòng cốt, là chỗ dựa tin cậy của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội.
Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát Kinh tế 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đã phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ nhau tích cực, thường xuyên, liên tục, tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trong năm 2018, lực lượng Cảnh sát Kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phát hiện được trên 2,2 nghìn vụ, hơn 1,5 nghìn đối tượng vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế, giảm trên 1,2 nghìn vụ so với năm 2017.
Kết quả đã khởi tố 45 vụ với 53 bị can; chuyển cơ quan chức năng xử lý 97 vụ với 95 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính trên 1,6 nghìn vụ, 1,2 nghìn đối tượng với tổng số tiền trên 31,1 tỷ đồng, tịch thu trên 2,3 triệu bao thuốc lá ngoại nhập lậu các loại, hơn 41,5 nghìn kg đường ngoại nhập lậu, loại bỏ hơn 11,4 nghìn kg tôm nguyên liệu có chứa tạp chất...
Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát Kinh tế các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục rà soát, tổng hợp tất cả các khó khăn vướng mắc trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật để kiến nghị Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu nghiên cứu hướng dẫn thực hiện thống nhất; đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức toàn diện về tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế để tham mưu cấp ủy chính quyền địa phương những giải pháp phù hợp với thực tế đảm bảo huy động được sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân trong đấu tranh phòng ngừa các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát Kinh tế trong khu vực tiếp tục quan tâm xây dựng lực lượng đủ phẩm chất năng lực đấu tranh với tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; tiến hành sửa đổi quy chế phối hợp theo hướng tăng cường phối hợp toàn diện trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đấu tranh theo chuyên đề đối với những tỉnh, thành phố có chung đối tượng đấu tranh.