Đánh giá về tiến trình thực hiện Nghị quyết 37, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn cho rằng: Việc sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp xã là việc khó, phức tạp, động chạm đến tình cảm, truyền thống, văn hóa, phong tục, quyền lợi của cán bộ và nhân dân vì cán bộ, người dân đã quen với các đơn vị hành chính cũ, quen với cách làm của cán bộ tại các đơn vị hành chính. Nếu làm không thận trọng, không có bước đi thích hợp sẽ ảnh hưởng đến đời sống, tình hình chính trị và xã hội trên địa bàn.
Nhận thức được những khó khăn khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tỉnh Cao Bằng đã quán triệt các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ; thành lập Ban Chỉ đạo các cấp; chỉ đạo các huyện thành lập 5 tổ (Tổ truyền thông, Tổ địa giới hành chính, Tổ thực hiện đề án sáp nhập, Tổ chế độ chính sách cho cán bộ, Tổ cơ sở vật và giải quyết khiếu nại tố cáo) để thực hiện các nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Đến hết năm 2019, tỉnh Cao Bằng đã lấy xong ý kiến của cử tri về phương án sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Theo đó, hơn 90% cử tri và nhân dân; 100% đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, cấp huyện đồng thuận với phương án sáp nhập các đơn vị hành chính trên địa bàn. Phương án sáp nhập, sắp xếp các đơn vị hành chính đã được Hội đồng nhân tỉnh Cao Bằng đã thông qua vào tháng 9/2019; trình Bộ Nội vụ, trình Chính phủ và đang chờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Nói về kinh nghiệm về sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cho rằng cần phải nâng cao nhận thức, tư tưởng, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân và cán bộ; phương pháp và cách làm phải đúng quy trình, công khai, minh bạch và dân chủ; xây dựng được phương án hỗ trợ chính sách cho cán bộ...
Theo bà Đồng Thị Kiều Oanh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng, sau khi sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính, số cán bộ, công chức dôi dư là 720 người và 624 người hoạt động không chuyên trách. Các địa phương thuộc diện sắp xếp, sáp nhập đã chủ động các phương án bố trí cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật; gắn việc sắp xếp các đơn vị hành chính với việc tinh giản biên chế.
Để giải quyết cán bộ công chức dôi dư, Cao Bằng đánh giá lại chất lượng cán bộ, công chức, giải quyết nghỉ việc cho các trường hợp không đáp ứng nhiệm vụ do thiếu năng lực, trình độ, thiếu tinh thần trách nhiệm; giải quyết chế độ đối với những người không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm. Cao Bằng đã bố trí gần 100 tỷ đồng để giải quyết chế độ chính sách hơn 21.000 người bị tác động do sắp xếp, sáp nhập. Tỉnh Cao Bằng đề nghị Chính phủ thực hiện có lộ trình việc sắp xếp cán bộ dôi dư, cụ thể nên quy định đến thời điểm 31/12/2021, số lượng cán bộ công chức cấp xã phải bằng hoặc thấp hơn so với quy định.
Tại Kỳ họp thứ 10 (bất thường), ngày 9/9/2019, Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng, khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã thông qua chủ trương sắp xếp, sáp nhập, đổi tên đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Theo đó, 9/10 xã của huyện Trà Lĩnh nhập với toàn bộ huyện Trùng Khánh để thành lập huyện Trùng Khánh. Toàn bộ huyện Thông Nông nhập với toàn bộ huyện Hà Quảng để thành lập huyện Hà Quảng.
Toàn bộ huyện Phục Hòa nhập với toàn bộ huyện Quảng Uyên và xã Quốc Toản (huyện Trà Lĩnh) để thành lập huyện Quảng Hòa. Sáp nhập 52 đơn vị hành chính cấp xã có 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định với 19 đơn vị hành chính cấp xã liền kề để thành lập mới 35 đơn vị hành chính cấp xã và sát nhập 5 đơn vị cấp xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp thể thành lập mới 3 đơn vị hành chính cấp xã. Đổi tên 1 thị trấn (thị trấn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh đổi tên thành thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh).
Sau khi sắp xếp, sáp nhập và đổi tên đơn vị hành chính, tỉnh Cao Bằng còn 10 đơn vị hành chính cấp huyện (9 huyện, 1 thành phố), giảm 3 đơn vị hành chính; còn 161 đơn vị hành chính cấp xã (8 phường, 14 thị trấn, 139 xã), giảm đơn vị hành chính...