Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân chủ trì buổi giám sát.
Theo báo cáo của Sở Tài Nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, trước khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, trên địa bàn thành phố còn 109.251 trường hợp tồn đọng, chưa được cấp giấy chứng nhận, trong đó có 88.665 trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận theo quy định do chuyển nhượng bằng giấy tay sau ngày 1/7/2004; lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; sử dụng đất sau thời điểm công bố quy hoạch nhưng nay không phù hợp quy hoạch; vi phạm pháp luật đất đai, xây dựng chưa được xử lý. Số còn lại đủ điều kiện nhưng người dân chưa quan tâm việc lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận.
Ông Trần Văn Thạch, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, đến nay, thành phố đã cấp được hơn 1.490.000 giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân. Đối với cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, từ năm 2012 - 2015, thành phố đã cấp gần 5.000 giấy chứng nhận với tổng diện tích khoảng 40.000 ha. Hiện trên địa bàn thành phố, về cơ bản, nhà đất của các cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng đều đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Một trong những vấn đề được đại biểu đặt ra tại buổi giám sát là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hồ sơ tồn đọng do vấn đề người dân thiếu thông tin quy hoạch. Đại biểu Trần Anh Tuấn, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, chúng ta chưa theo kịp, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhất là tại các vùng đô thị hóa nhanh như huyện Hóc Môn, Củ Chi. Người dân không nắm được thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh.
Nhìn nhận vấn đề này, theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến, việc xây dựng trái phép, không phép tại các vùng ngoại thành diễn ra phổ biến, một phần do công tác quy hoạch, triển khai quy hoạch yếu kém. Thành phố đang khuyến khích các quận huyện công khai thông tin quy hoạch cho người dân nắm bắt. Hiện Quận 1, Quận 12, Thủ Đức đã triển khai phần mềm cho phép người dân truy cập thông tin quy hoạch; Sở Quy hoạch và Kiến trúc cũng đã hoàn thiện phần mềm quy hoạch khu trung tâm thành phố và nỗ lực công khai thông tin quy hoạch các dự án lên mạng internet.
Kết luận buổi giám sát, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là nhu cầu chính đáng của người dân. Cần công bố hiện trạng sử dụng đất, tình trạng quy hoạch để người dân nắm bắt thông tin; trong đó có các dự án “treo” nhưng cũng có những quy hoạch tiền khả thi, mang tính tầm nhìn lâu dài. Do vậy, có thể xem xét các trường hợp, tùy tình hình quy hoạch, tạo điều kiện cấp giấy chứng nhận cho người dân.
Đối với các dự án cụ thể, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, UBND Thành phố Hồ Chí Minh thống kê các dự án từ 5 năm trở lên không triển khai hoặc triển khai không đáng kể và dự kiến xử lý các dự án này để có cái nhìn khái quát, cụ thể. Ngoài ra, Sở Xây dựng cần phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường có báo cáo tổng thể về xu hướng vi phạm trong xây dựng không phép, sai phép để có đánh giá cụ thể. Nếu tình trạng vi phạm tăng là có vấn đề trong công tác quản lý chưa đúng quy luật, cần xem lại mô hình quản lý xây dựng cho phù hợp.
Cũng tại buổi giám sát, các đại biểu đề nghị đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, xem đó là nguồn vốn trong xã hội; thông tin quy hoạch và sử dụng đất ở các bờ sông; việc cấp giấy chứng nhận cho người nước ngoài…
Để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng kiến nghị Chính phủ cho phép UBND Thành phố Hồ Chí Minh phân cấp Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (đặt trụ sở tại cấp huyện) được trực tiếp ký giấy chứng nhận và đóng dấu của Chi nhánh đối với các trường hợp biến động mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản được lựa chọn hình thức cập nhật hoặc cấp mới cho hộ gia đình, cá nhân… Điều này để đảm bảo kịp thời giải quyết nhu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản khi thực hiện các giao dịch.