Chăm lo sự nghiệp trồng người - cần một tầm nhìn chiến lược

Ngày 17/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc với cán bộ chủ chốt của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và việc chuẩn bị Đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH và hội nhập quốc tế".

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

 

Tham dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân; đại diện lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành trung ương.


Báo cáo Tổng Bí thư về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận nêu rõ: Ngay sau Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng. Ban cán sự Đảng chỉ đạo toàn ngành tập trung mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ và có hiệu quả các lĩnh vực công tác, lấy đổi mới quản lý làm khâu đột phá để đổi mới và nâng cao chất lượng toàn diện giáo dục và đào tạo.


Ngành giáo dục đã chủ động chuyển từ hướng phát triển quy mô sang nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội; coi việc nâng cao chất lượng và tuân thủ quy hoạch phát triển nhân lực là mục tiêu của phát triển giáo dục đào tạo.


Cùng với tập trung giải quyết một số vấn đề bức xúc như dạy thêm học thêm tràn lan, tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục, tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, bệnh thành tích và không trung thực trong giáo dục, toàn ngành đã tập trung thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; điều chỉnh, xử lý những bất hợp lý trong nội dung dạy học ở bậc phổ thông theo hướng tinh giản, tích hợp các môn học nhằm giảm tải cho học sinh, thí điểm áp dụng một số mô hình dạy học mới, lấy học sinh làm trung tâm; tạo điều kiện, hỗ trợ giúp trẻ em và học sinh đến trường, không để học sinh bỏ học do thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở; lồng ghép giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương, khuyến khích học sinh phổ thông tham gia nghiên cứu, sáng tạo khoa học; đổi mới công tác tổ chức thi, cách ra đề thi, nhất là các môn tự luận (văn, sử, địa...) theo hướng mở, chú ý phát huy tính sáng tạo, khả năng tổng hợp kiến thức của học sinh gắn với các vấn đề thời sự của đất nước.


Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã điểm lại những định hướng, quyết sách lớn về phát triển giáo dục đào tạo đã được thực hiện mang lại kết quả bền vững thời gian qua, cho thấy cam kết của Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư cho giáo dục.


Nổi bật là việc lần đầu tiên Chính phủ đã phê duyệt và thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên, góp phần nâng tỷ lệ trường lớp học kiên cố từ 52% lên 72% sau 4 năm; triển khai xây ký túc xá cho sinh viên; thực hiện hỗ trợ tín dụng giúp 2,1 triệu sinh viên nghèo có cơ hội học lên cao.


Nhiều chính sách ưu tiên cho giáo dục vùng khó khăn cũng lần đầu được thực hiện như: Đề án phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, hỗ trợ tiền ăn hàng tháng cho học sinh dân tộc; phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi;... góp phần đảm bảo công bằng và tăng cơ hội học tập cho đối tượng khó khăn.


Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt biểu dương ngành giáo dục đã thực hiện tốt những chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về giáo dục và đã đạt nhiều kết quả, thành tích quan trọng. Trong điều kiện nguồn lực thấp kém, còn nhiều khó khăn, nền giáo dục nước nhà đã phát triển cả về quy mô, mạng lưới, phong phú đa dạng về loại hình đào tạo, mở rộng hợp tác quốc tế... đáp ứng yêu cầu học tập của nhân dân, hơn 80 triệu dân, 22 triệu người đi học.


Tổng Bí thư nêu rõ, thời gian qua, mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo của chúng ta còn thấp, chưa được như mong muốn, chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục đạo đức, giáo dục nghề nghiệp ở cấp đại học; chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng quy mô với nâng cao chất lượng, giữa dạy chữ với dạy người và dạy nghề.


Giáo dục đào tạo có nơi, có lúc còn bị thương mại hóa, chạy theo lợi ích cục bộ, chạy theo bằng cấp còn khá phổ biến. Cũng có nơi còn chạy theo thành tích ảo, chưa gắn chặt đào tạo với sử dụng nguồn nhân lực. Các cơ sở đào tạo về cơ bản vẫn đào tạo theo khả năng, chưa đào tạo theo nhu cầu xã hội. Năng lực nghề nghiệp của nhiều học sinh, sinh viên khi tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc.


Về phương hướng sắp tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Giáo dục là lĩnh vực rất quan trọng, nhưng cũng rất phong phú, đa dạng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, các cấp, các ngành, đến toàn xã hội. Tổng Bí thư đề nghị ngành giáo dục - đào tạo bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, các chiến lược Chính phủ đã phê duyệt, các văn bản pháp luật đã ban hành, đồng thời xuất phát từ thực tiễn, để xác định rõ yêu cầu nhiệm vụ của ngành và kiên trì thực hiện.


Tổng Bí thư lưu ý, cần có tầm nhìn chiến lược, dài hạn. Chúng ta đã 3 lần tiến hành cải cách giáo dục, vì sao lúc này phải đặt vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo? Cần làm rõ nội hàm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, phải chăng là đổi mới từ tư duy, mô hình, hệ thống tổ chức giáo dục, cơ chế vận hành, cơ chế quản lý, loại hình giáo dục, rồi phải có đội ngũ cán bộ, giáo viên, cơ sở vật chất, nguồn lực, điều kiện bảo đảm thực hiện đổi mới...


Tổng Bí thư đề nghị ngành giáo dục - đào tạo hết sức quan tâm triển khai thực hiện nghiêm túc, có chất lượng, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI về xây dựng Đảng. Xây dựng Đảng là xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là điều kiện để bảo đảm thực hiện tốt những việc chúng ta đã đề ra. Cùng với cơ chế, chính sách, luật pháp, cần có tổ chức chặt chẽ, con người - cán bộ trong sạch. Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần gương mẫu thực hiện và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, kiên trì trong toàn ngành, theo đúng quan điểm chỉ đạo của Trung ương.



Nguyễn Thị Sự

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN