Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Đoàn Sóc Trăng: Câu hỏi chất vấn còn chưa tập trung
Trao đổi với báo PV báo Tin tức, đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Đoàn Sóc Trăng cho biết: Chất vấn tạo không khí sôi nổi nhưng chất lượng chất vấn và văn hoá chất vấn cần phải đổi mới hơn. Câu hỏi dài quá và vẫn còn nặng về diễn giải. Đại biểu còn tâm lý sợ tư lệnh ngành không nắm chắc bằng mình. Những câu hỏi về cuối không chất lượng.
Trong khi đó, có những đại biểu không tự điều tiết của vấn đề của mình. Tôi cho rằng, đại biểu cần linh hoạt. Khi có câu hỏi trùng cần nêu: “Tôi đồng ý với câu hỏi của đại biểu trước và tôi xin hỏi thêm” sẽ tạo điều kiện cho người bị chất vấn có không gian trả lời tốt hơn, “đỡ nhạt”.
Đặc biệt, khi chất vấn phải nghĩ ai cũng yêu nước như mình. Đại biểu không nên nghĩ chỉ có mình mới lo lắng với vấn đề người dân mà nói hết các bức xúc. Ví dụ quy định quy chế Kỳ họp có 2 lần phản biện, đại biểu phải tôn trọng. Có những trường hợp Bộ trưởng, Phó Thủ tướng trả lời vẫn không hài lòng, tiếp tục bấm nút tranh luận tạo không khí không tập trung vào nội dung quan tâm.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn Hà Nội: Không nên để ảnh hưởng đến đại biểu khác
Phần trả lời chất vấn của các Bộ trưởng đã rất cầu thị và thấu đáo, đồng thời mong muốn được chia sẻ thông tin với đại biểu Quốc hội. Tôi đánh giá cao điều này.
Trong phiên chất vấn ngày mai (10/11), vấn đề tôi đã hỏi mà chưa có câu trả lời thoả đáng, tôi sẽ không đặt câu hỏi trực tiếp nữa mà thay vào đó là văn bản.
Cụ thể, câu hỏi chất vấn của tôi sáng 9/11 về vấn đề dịch vụ công, hành chính công nhưng nghe trả lời lại vẫn chưa đủ thông tin, chưa sâu được. Tôi sẽ hỏi tiếp nhưng không hỏi đi hỏi lại ảnh hưởng đến chất lượng chất vấn mà sẽ bằng việc gửi văn bản.
Vấn đề cải cách thủ tục hành chính tôi đã theo đuổi từ đầu. Do đó, trong phiên trả lời của Thủ tướng ngày mai (10/11) tôi tiếp tục đặt câu hỏi với Thủ tướng chính là Luật hành chính công, Luật dịch vụ công, cũng là nhắc với Chính phủ, Thủ tướng về tầm quan trọng của việc này. Thực tế, với câu hỏi trước của tôi được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Chính phủ tra lời là “Đồng ý với tờ trình và những nội dung mà đại biểu đã nêu. Mong đại biểu hoàn thiện nốt”.
Đại biểu Quàng Văn Hương, Đoàn Sơn La: Thành viên Chính phủ cần nắm bắt sâu, rộng các vấn đề nóng
Qua hai ngày chất vấn, tôi thấy phạm vi chất vấn khá rộng: Đánh giá kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội 5 năm; Đề án tái cơ cấu kinh tế, kế hoạch đầu tư trung hạn… Tuy nhiên, tôi thấy các đại biểu đặt ra các vấn đề quan tâm là thiên tai, dịch bệnh là hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Chính phủ có giải pháp làm sao vượt qua khó khăn để phát triển. Đây chính là cách chọn vấn đề để hỏi, từ đó phát triển ra vấn đề chung trong thời gian tới như yêu cầu đặt ra.
Mặt khác, cách điều hành đoàn Chủ tịch linh hoạt, không để vấn đề “trôi” mà vẫn hình thành sự quan tâm của dư luận, thể hiện ở việc, nếu bình thường các đại biểu có thể trao đổi riêng với Bộ trưởng nhưng chưa có câu trả lời thì đưa ra ở Nghị trường. Lúc này, đoàn Chủ tịch vẫn có cách điều hành phù hợp. Nhiều đại biểu đánh giá cao tính linh hoạt và hiệu quả này.
Là một đại biểu tham gia kỳ họp họp, đầu tiên tôi cũng phải chuẩn bị tâm thế để nắm bắt vấn đề. Tiếp đến là kỹ năng chọn câu hỏi cho đúng sát với thực tiễn. Với lần chất vấn này cũng đòi hỏi các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng phải nắm toàn diện, chắc các vấn đề của ngành. Cách thức này nếu làm thường xuyên giúp các Bộ trưởng nắm một cách tổng thể các vấn đề Bộ, đặc biệt ứng biến trước những vấn đề đang nóng.
Vấn đề rộng như thế cũng yêu cầu đại biểu hỏi những vấn đề rõ ràng để khi đưa câu hỏi Bộ trưởng sẽ trả lời được. Nếu đặt vấn đề quá lớn, phần trả lời sẽ chỉ chung chung, đáp ứng về mặt nguyên tắc mà chưa thoả mãn được yêu cầu của cử tri.
Chủ tịch Quốc hội đã nói: Cả một nhiệm kỳ đặt lên vai Bộ trưởng, Uỷ ban Thường Vụ Quốc hội cần đổi mới để các Bộ trưởng quen với cách này. Vì thế, đân cũng chọn những gì quan tâm để hỏi, sát với bối cảnh cần giải quyết hiện nay.