Xử lý phản ánh rất ít doanh nghiệp trong nước được hưởng chính sách ưu đãi
Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Trương Thị Chí Bình cho biết, sau 4 năm thực hiện Nghị định 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, rất ít doanh nghiệp trong nước được hưởng chính sách ưu đãi.
Đến hết năm 2018, có 25 doanh nghiệp nộp hồ sơ xin hỗ trợ và 20 doanh nghiệp đủ điều kiện, trong đó chỉ có 4 doanh nghiệp nội, còn lại là doanh nghiệp FDI... Đến nay đã có 55 hồ sơ xin xác nhận và có 37 hồ sơ doanh nghiệp được xác nhận đủ điều kiện để hưởng chính sách ưu đãi; tuy nhiên chỉ có 3 - 5 doanh nghiệp trong nước đủ điều kiện.
Với các công ty trong nước, ngay từ khâu xin xác nhận đủ điều kiện là doanh nghiệp hỗ trợ đã rất khó khăn, mệt mỏi. Trong khi đó, đa số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là công ty nhỏ thế nhưng chính sách ưu đãi thuế, đất đai bao giờ cũng muốn dành cho dự án lớn, hoành tráng để tạo tiếng vang cho địa phương nên doanh nghiệp nhỏ rất khó tiếp cận. Rất nhiều doanh nghiệp nội khi được hỏi thì đều nói không biết có chính sách ưu đãi hỗ trợ.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã chuyển thông tin nêu trên đến các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính để xem xét, xử lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
Xử lý thông tin báo nêu về lựa chọn nhà đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Về thông tin báo nêu: "Doanh nghiệp Việt xây cao tốc Bắc - Nam: Vốn ở đâu và làm sao tránh nạn "sân trước sân sau" và "Không để doanh nghiệp trong nước vì tư lợi "ôm" doanh nghiệp nước ngoài đấu thầu làm cao tốc Bắc - Nam", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông Vận tải nguyên cứu và xử lý.
Nghiên cứu phản ánh "Nghị định thanh toán BT, chưa thực hiện đã thấy bất cập"
Theo phản ánh "Nghị định thanh toán BT, chưa thực hiện đã thấy bất cập": Nghị định 69/2019/NĐ-CP quy định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) có hiệu lực từ ngày 1/10/2019 đến nay dù chưa thực hiện nhưng đối chiếu với các quy định của Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công... đã thấy nhiều bất cập và có thể bị vướng mắc khi thực hiện.
Nghị định chưa tạo được khung pháp lý cụ thể để thực hiện quy định Nhà nước sử dụng "tiền thuộc ngân sách Nhà nước" thanh toán dự án BT. Sự thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ giữa quy định về khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng bằng phương thức đấu giá quyền sử dụng đất (theo Luật Đất đai); và quy định sử dụng quỹ đất để thanh toán dự án BT (theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công). Hơn nữa, rất khó để đảm bảo nguyên tắc ngang giá khi Nhà nước sử dụng quỹ đất để thanh toán dự án BT, theo kiểu vật đổi vật, hàng đổi hàng, mà lẽ ra phải dùng tiền để thanh toán dự án BT, mua lại công trình BT theo kiểu “hàng - tiền”.
Trong vai trò bên mua, Nhà nước thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án BT, để mua công trình BT với giá hợp lý nhất (cùng đạt chuẩn chất lượng nhưng có giá thấp nhất). Trong vai trò bên bán, Nhà nước cần phải thực hiện đấu thầu hoặc đấu giá quỹ đất, trụ sở làm việc để thanh toán dự án BT, thì mới đảm bảo bán đúng giá thị trường, để lựa chọn nhà đầu tư dự án khác...
Pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công quy định thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án BT nhưng không quy định đồng thời thực hiện đấu giá quỹ đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất mà lại sử dụng quỹ đất thanh toán dự án BT. Quy định này đã trái với quy định đấu giá đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá tài sản, Luật Nhà ở. Với cách làm này, thực chất là chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án khác không qua đấu giá, đấu thầu, có thể dẫn đến làm thất thoát tài sản công và giảm nguồn thu ngân sách nhà nước...
Về phản ánh trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Xử lý phản ánh "tuân thủ quy định kém, nông sản xuất khẩu nhận điểm trừ"
Về phản ánh "Nông sản xuất khẩu không được thông quan, bị trả về xảy ra thường xuyên trong thời gian gần đây, chủ yếu do mắc lỗi ở khâu sơ chế, chế biến, sản xuất, không tuân thủ quy định của nhà nhập khẩu. Thực tế do tính tuân thủ kém, thiếu chuyên nghiệp của các nhà xuất khẩu đã khiến nhiều lần nông sản Việt không được thông quan. Việt Nam là nước có tỷ lệ hàng bị trả lại hoặc phải xử lý lại khá cao", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nghiên cứu và xử lý thông tin nêu trên.