Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế kiểm tra, kiểm soát sản phẩm gia cầm tại chợ Tây Lộc, thành phố Huế. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN |
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo thực hiện Kết luận số 11-KL/TW tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương tổ chức quán triệt đầy đủ, toàn diện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Kết luận số 11, nhất là các chủ trương, chính sách mới về quản lý, bảo đảm ATTP, trước hết là đối với các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo đảm ATTP; hoàn thành trong quý III/2017.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền các cấp từ xã đến tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm Kết luận số 11, đồng thời tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quản lý, bảo đảm ATTP theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền các cấp từ xã đến tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về ATTP.
Tập trung khơi dậy và phát huy tính trung thực, đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng của từng doanh nghiệp, từng doanh nhân, từng hộ gia đình và từng người dân để đảm bảo ATTP, nhất là trong sản xuất, kinh doanh.
Các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP có trách nhiệm cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin về ATTP, về các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vi phạm ATTP để công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP. Phối hợp với Ban chỉ đạo 9 quốc gia ngăn ngừa thực phẩm giả, nhái, kém chất lượng. Xử lý nghiêm theo pháp luật việc đưa tin sai sự thật, không chính xác về ATTP, tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh và niềm tin của nhân dân về thực phẩm an toàn.
Các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực, phẩm chất và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về ATTP.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan tiến hành tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật ATTP, hoàn thành trong năm 2017.
Trên cơ sở đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật ATTP cho phù hợp và nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về ATTP đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bộ Y tế khẩn trương hoàn thành việc xây dựng và trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số /2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP; chậm nhất tháng 11/2017 trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP theo hướng tăng mức xử phạt, bảo đảm tính răn đe.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và các cơ quan liên quan hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp để bảo đảm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATTP.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ sản xuất sản phẩm sạch, an toàn; khuyến khích đầu tư sản xuất, chế biến thực phẩm với quy mô lớn theo chuỗi, bảo đảm ATTP; đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến thực phẩm, xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống cung cấp thực phẩm an toàn; thúc đẩy việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, ATTP tiên tiến như VietGap, GMP, HACCP, ISO22000…;