Hội thảo là một trong những hoạt động hợp tác giữa hai Bộ nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp (1973 - 2023), 10 năm hai nước nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược (2013 - 2023).
Phát biểu khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, hiện đại hóa nền công vụ, cải cách hành chính và chuyển đổi số đã và đang thành một xu hướng tất yếu, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển của mọi quốc gia trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Những năm qua, Việt Nam luôn chủ trương đẩy mạnh cải cách nền hành chính nhà nước, hiện đại hóa nền công vụ, coi đó là một trong những đột phá để phát triển đất nước.
Mục tiêu mà hiện đại hóa nền công vụ, cải cách hành chính hướng tới là xây dựng một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân. Cải cách hành chính luôn gắn với đổi mới tư duy và hành động sáng tạo; đổi mới lề lối làm việc, áp dụng phương thức quản trị tiên tiến, hiện đại; tận dụng có hiệu quả thành tựu, tiến bộ khoa học và công nghệ để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.
"Cải cách hành chính phải xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng tin tưởng cuộc Hội thảo khoa học sẽ góp phần kết nối giúp cho quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Pháp ngày càng bền chặt. Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ Việt Nam và Bộ Chuyển đổi và Công vụ Pháp sẽ tiếp tục phát huy và đẩy mạnh kết quả hợp tác, tăng cường các hoạt động trao đổi chuyên môn, chia sẻ những kinh nghiệm hay từ thực tiễn, góp phần thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nền công vụ, cải cách hành chính và nâng cao năng lực chuyển đổi số của mỗi quốc gia.
Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi và Công vụ Pháp Stanislas Guérini đã trao đổi về 3 thách thức: Nhân khẩu học, chuyển đổi số và sinh thái. Theo ông Stanislas Guérini, cả Việt Nam và Pháp cùng phải đối mặt với thách thức về nhân khẩu học khi tỷ lệ sinh giảm, dân số già đi. Điều này đòi hỏi dịch vụ công cũng phải có sự thay đổi phù hợp.
Già hóa dân số là một trong những vấn đề rất lớn đặt ra đối với nền công vụ Pháp. 10 năm tới, tỷ lệ nghỉ hưu của công chức Pháp rất lớn, cần phải có dự báo về hiện tượng này và thách thức đặt ra. Trên cơ sở đó thực hiện phân bổ lại lực lượng lao động để chuyển sang các ngành nghề mới, phát triển những công cụ mới, đặc biệt là kỹ thuật số.
Về chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi và Công vụ Pháp cho biết, đây là quá trình chuyển đổi mang lại cơ hội rất lớn đối với các cơ quan hành chính của Pháp nói riêng, của các nền công vụ khác trên thế giới nói chung. Có những công cụ, dịch vụ mới phục vụ tốt hơn lợi ích của người dân và doanh nghiệp, như trí tuệ nhân tạo.
Chuyển đổi số đặt ra nhiều thách thức mới, đó là chúng ta phải tăng cường năng lực số cho công chức; gia tăng tính hấp dẫn cho những đối tượng trẻ để họ tham gia vào hệ thống công chức; người dân và doanh nghiệp có thể tận dụng được tối đa những công cụ mới.
Cho biết lĩnh vực chuyển đổi sinh thái là một trong những nội dung người dân Pháp rất kỳ vọng vào Nhà nước, ông Stanislas Guérini thông tin, có 27% người dân mong muốn Nhà nước quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực môi trường và chuyển đổi sinh thái.
"Chúng ta chỉ có thể chuyển đổi thành công nếu tất cả công chức có một nhận thức rất rõ ràng và có những động cơ tham gia vào quá trình chuyển đổi. Đây chính là lý do vì sao Pháp đang thực hiện kế hoạch đào tạo với quy mô lớn về chuyển đổi sinh thái dành cho các cơ quan hành chính. Chương trình nhắm tới 25.000 công chức cấp cao, sau đó là triển khai trên diện rộng trên toàn hệ thống từ năm 2027", ông Stanislas Guérini nói.
Chia sẻ thực tế tại Pháp và nhiều nước trên thế giới "có một sự sụt giảm tương đối nhẹ lòng tin vào các cơ quan thể chế" khi trao đổi về hiện đại hóa các cơ quan hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp, Bộ trưởng Chuyển đổi và Công vụ Pháp nhấn mạnh cần dành ưu tiên trong lĩnh vực này để tăng cường tính hiệu quả trong thực hiện các chính sách công, thực hiện những dịch vụ công dành cho người dân và doanh nghiệp. Pháp có 60 chính sách ưu tiên thực hiện từ 2022, triển khai chương trình "Kilomet cuối cùng", thành lập hệ thống Ngôi nhà dịch vụ công để đảm bảo các dịch vụ công gần nhất đối với người dân, chỉ mất thời gian di chuyển dưới 20 phút từ nhà của người dân hoặc doanh nghiệp khi đến làm dịch vụ công…
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý của Việt Nam và Pháp đã đánh giá những thành tựu, kết quả đạt được, khó khăn, thách thức trong quá trình hiện đại hóa nền công vụ, cải cách hành chính và nâng cao năng lực chuyển đổi số ở cả hai nước thời gian qua. Đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm mới, định hướng chính sách, hoạt động phối hợp để cùng hướng tới xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Đem đến Hội thảo kinh nghiệm về quản lý - vấn đề mang tính chất then chốt đối với nền công vụ của Pháp, bà Nathalie Green, Phó Giám đốc Phụ trách khung điều lệ, quản trị và hợp tác, Tổng cục Hành chính và Công vụ cho hay, đây chính là đòn bẩy để tạo ra sự hấp dẫn trong tuyển dụng công chức, viên chức của các cơ quan nhà nước.
Theo bà, mục tiêu ưu tiên của Pháp là đưa dịch vụ công gần với người dùng, bao gồm cả người dân, doanh nghiệp, cũng như công chức, viên chức xử lý thủ tục; đơn giản hóa trong quản trị nhân lực, hoạt động và vận hành của các cơ quan nhà nước; đơn giản hóa về thủ tục hành chính; thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo thông qua phương pháp tiếp cận bằng thử nghiệm, bằng thí điểm. Pháp đầu tư rất lớn cho việc xây dựng khung pháp lý, thể chế, đồng thời đảm bảo những văn bản được ban hành đi vào cuộc sống một cách hiệu quả.
"Mục tiêu ưu tiên và cũng là thách thức thường trực với chúng tôi là làm sao tăng được tính hấp dẫn của nền công vụ để có thể tuyển dụng được nhân tài và để tăng cường được sự hấp dẫn của nền công vụ, chúng tôi phải thực hiện chuyển đổi, hiện đại hóa, tạo ra những lộ trình về việc làm và thăng tiến sự nghiệp đa dạng hơn cho các công chức, viên chức; đồng thời thúc đẩy hình mẫu về bình đẳng nam nữ, thể hiện sự đa dạng về các thành phần xã hội trong xã hội Pháp", bà Nathalie Green chia sẻ.
Ông Nguyễn Tuấn Ninh, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức, Bộ Nội vụ cho biết, Việt Nam hiện có trên 254 nghìn công chức, trên 1,7 triệu viên chức (không kể lực lượng vũ trang, Công an phường và cán bộ, công chức cấp xã). Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp và đạt nhiều kết quả quan trọng trong đổi mới, cải cách công chức, công vụ, để xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài; thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong cải cách hệ thống công vụ, công chức đạt được những kết quả nổi bật cả ở góc độ vĩ mô và vi mô. Trong đó, Việt Nam đã từng bước đổi mới chế độ công vụ, công chức theo hướng năng động, linh hoạt hơn; đổi mới cơ chế quản lý công chức, viên chức theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; tạo môi trường thúc đẩy đổi mới, sáng tạo…