Thứ Sáu ngày 19/12/2014 là một ngày tốt đẹp, một ngày hạnh phúc tột cùng đối với các nạn nhân và thân nhân các nạn nhân trong vụ sập hầm tại công trình thủy điện Đa Dâng – Đa Chomo (nằm trên địa bàn thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) khi tất cả 12 công nhân bị mắc kẹt gần 81 giờ trong đường hầm đã được cứu thoát ra ngoài an toàn. Đó cũng là ngày hạnh phúc của lực lượng cứu hộ, của giới truyền thông, của tất cả những người dân Việt Nam luôn hướng sự quan tâm về Đa Dâng – Đa Chomo trong những ngày qua. Việc giải cứu thành công các nạn nhân, quả thực, là chiến công lớn cho tất cả.
* 81 giờ vượt qua bóng tối 12 công nhân bị mắc kẹt trong vụ sập hầm thủy điện đã được giải cứu thành công và tất cả đều ổn định sức khoẻ. Sau khi được đưa từ hầm thủy điện ra ngoài, đến 19 giờ 30 phút, các công nhân được kiểm tra sức khỏe, truyền dịch. Riêng chị Đặng Thị Ngọc đang được chăm sóc tại khoa hồi sức tích cực chống độc do “sốc” với môi trường mới.
Nạn nhân đầu tiên được đưa về Bệnh viên đa khoa tỉnh Lâm Đồng là Hoàng Văn Sơn, 24 tuổi, quê Ý Yên, Nam Định đã tươi vui trở lại. Ảnh: Ly Kha – Đặng Tuấn- TTXVN |
Còn lại 11 người đã bắt đầu ăn uống, đi lại được và chia sẻ với người thân, gia đình, với mọi người chung quanh về cảm xúc khi đã vượt qua được những thời khắc nguy kịch, chiến thắng nghịch cảnh. Chia sẻ cảm xúc vui mừng khi được thoát khỏi hầm tối, công nhân Hoàng Văn Sơn (25 tuổi, quê huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) không giấu được niềm vui bởi “đã thấy ánh sáng, thấy mọi người, cảm ơn tất cả!”.
Trong niềm vui tột cùng, công nhân Phan Xuân Đăng (sinh năm 1964, quê Vĩnh Phúc) chia sẻ: Những ngày mắc kẹt trong hầm mọi người vẫn cố gắng duy trì sinh hoạt bình thường, không lo lắng nhiều, do chúng tôi động viên nhau. Chúng tôi thay phiên nhau ngủ trên giàn giáo xây dựng để tránh nước ngập, lạnh. Từ khi được cung cấp nước uống, sữa, cháo và dưỡng chất, liên lạc được với bên ngoài, chúng tôi càng vững bụng hơn.
“Niềm vui và xúc động nhất là khi chúng tôi nhận được thư viết tay của đồng chí Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng. Chúng tôi dùng điện thoại để lấy ánh sáng đọc thư, qua đó thấy được mọi người bên ngoài đang rất lo lắng, dốc sức tìm cách cứu chúng tôi ra ngoài nên mọi người rất yên tâm, cùng cố gắng để sớm vượt qua hoàn cảnh bị nạn” – ông Đăng nói thêm.
* Chiến công lớn, kỷ lục mới của công binh Việt Nam Trong số hơn 500 người tham gia lực lượng cứu hộ của tỉnh Lâm Đồng và nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị, chiếm số đông là các cán bộ, chiến sĩ của quân đội với trên 260 người và cán bộ, chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa chữa – cứu hộ cứu nạn. Đáng chú ý nhất là lực lượng công binh với khoảng 150 chiến sĩ của Lữ đoàn 293, Lữ đoàn 25 Binh chủng Công binh, những người đóng “vai chính” trong công tác khoan, đào hầm cứu hộ.
“Đây là lần đầu tiên lực lượng công binh tham gia nhiệm vụ giải cứu này. Chúng tôi thấy đây là nhiệm vụ nguy hiểm cho cả người bị nạn lẫn cứu nạn, do đó chúng tôi đã dùng các biện pháp tối ưu để đảm bảo an toàn. Các biện pháp này công binh đã được huấn luyện trong thời bình và để chuẩn bị cho những nhiệm vụ như thế này. Chúng tôi đã xác định đây là nhiệm vụ quan trọng nên đã tập trung nhân lực, vật lực. Trong ngày hôm nay đã có thêm 50 công binh và đây là lực lượng tinh nhuệ nhất của công binh Việt Nam nhằm đẩy nhanh tiến độ giải cứu nạn nhân.” – Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh, Chỉ huy trưởng các lực lượng cứu hộ trong hầm, cho biết.
Lực lượng công binh với sự hỗ trợ của các chuyên gia cấp cứu mỏ đã tập trung cho việc mở hai đường hầm phụ theo hai vách hầm chính để vượt qua đoạn hầm bị sập dài 35m, tiếp cận khu vực các nạn nhân đang bị mắc kẹt để đưa họ ra ngoài. Đến chiều 19/12, đường hầm bên phải đã tiến được hơn 20m và trong khi mọi người chờ đợi sẽ cứu người từ hướng hầm này thì bất ngờ tổ công binh đào hầm bên trái khi đã đào được 14m, thấy một lỗ thủng để từ đó phát hiện ra đoạn hầm nơi các công nhân đang bị mắc kẹt. Dù bất ngờ, nhưng với việc đẩy nhanh tiến độ cho việc đào hai đường hầm phụ, trong đó hầm bên trái vừa triển khai từ tối 18/12, đã cho thấy nỗ lực lớn của lực lượng công binh cứu hộ.
“Chúng tôi đã đào đường hầm với tốc độ 1 giờ/1 mét và cũng là kỷ lục đào hầm của công binh Việt Nam ” – Đại tá Nguyễn Hữu Hùng tươi cười nói. Các chiến sĩ công binh đã lập nên chiến công lớn đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, một chiến công thời bình quá đỗi tự hào về lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, xứng đáng với truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”.
* Kết quả lớn của sự hợp đồng tác chiến Thành công của cuộc giải cứu ngoạn mục chiều 19/12 còn là kết quả của sự phối hợp nhanh chóng, đầy trách nhiệm, sự hợp đồng tác chiến hiệu quả của nhiều lực lượng tham gia công tác cứu hộ.
Ngoài lực lượng của quân đội, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy – cứu hộ cứu nạn đứng thứ hai về quân số, trong đó các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát của Lâm Đồng là những người đầu tiên có mặt tại hiện trường và triển khai công tác cứu hộ ngay từ những giờ phút đầu tiên sau khi sự cố sập hầm xảy ra. Những ngày sau, lực lượng cứu hộ còn được tăng cường 55 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy - cứu hộ cứu nạn từ Thành phố Hồ Chí Minh lên hỗ trợ.
Suốt gần 4 ngày đêm không ngừng chi viện cho công tác cứu hộ, còn có các chuyên gia Trung tâm cấp cứu mỏ từ Quảng Ninh, các chuyên gia xây dựng, thủy điện, công nhân xây dựng, điện lực, viễn thông, vệ sinh môi trường, hậu cần, trật tự… từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, từ thành phố Đà Lạt đến địa bàn xã Lát, Lạc Dương.
Tại hiện trường còn có hình ảnh những chiếc áo trắng của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế với gần 40 người của tỉnh Lâm Đồng và chuyên gia từ Bệnh viện Chợ Rẫy được tăng cường. Mỗi người mỗi phần việc, không ai dặn ai, nhưng tất cả đều tuân thủ những quy định của công tác cứu hộ, nhất là với sự cố đặc biệt nghiêm trọng như vụ sập hầm này, để làm tốt chức năng, phần việc của mình, góp phần cho thành công của cuộc cứu nạn.
* Chiến công cho hàng triệu trái tim Việt Nam Sự cố sập đường hầm thủy điện và tính mạng của 12 công nhân bị nạn đã thu hút sự quan tâm, theo dõi của người dân Việt Nam, cả trong và ngoài nước. Từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tới người dân ở khắp các vùng miền, hay đồng bào các dân tộc nơi vùng đất Lạc Dương thưa vắng đều theo sát diễn biến vụ việc và công tác cứu hộ.
Lực lượng cứu hộ và người thân chăm sóc nạn nhân. Ảnh: Dương Giang - TTXVN |
Ngay sau khi sự cố xảy ra vào 7 giờ 30 phút ngày 16/2, chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn, xử lý vụ việc. Hàng trăm người dân địa phương đã có mặt tại hiện trường theo dõi và lo lắng cho các nạn nhân. Còn trên mạng xã hội và qua các phương tiện truyền thông, người dân cả nước dõi theo sự việc qua từng dòng thông tin, cùng cầu mong mọi điều tốt đẹp nhất cho các công nhân bị nạn, lẫn lực lượng cứu hộ.
Đến thị sát hiện trường chiều 18/12, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết rất sốt ruột trước tiến độ của công tác cứu hộ khi đã ba ngày qua vẫn chưa đưa được các nạn nhân ra ngoài. Phó Thủ tướng yêu cầu lực lượng cứu hộ nỗ lực hơn nữa, không ngừng nghỉ, tập trung giải pháp tối ưu nhằm cứu người bị nạn ra ngoài trong thời gian sớm nhất.
Bà con quanh vùng xã Lát cũng sốt ruột và lo lắng khi từng giờ trôi qua những công nhân từng quen biết với họ vẫn chưa được giải cứu. Mẹ con chị Thúy, chủ quán tạp hóa cách hầm thủy điện vài mươi mét – “trung tâm báo chí dã chiến” của trên 50 phóng viên tham gia đưa tin về vụ tai nạn này – cứ liên tục những câu hỏi “Thấy họ chưa anh?”, “Họ còn sống hả chú?", “Cứu ra được rồi hả các anh?"...
Còn cô Trần Thị Ngọc, ngụ ở thôn Đạ Nghịt, cứ thẫn thờ ngồi bên đường theo dõi việc cứu hộ, chia sẻ đầy vẻ lo lắng: “Tôi chẳng có người thân bị mắc kẹt trong đó mà thấy lo vô cùng, đã bốn ngày nay ngày nào cũng sáng chiều ra đây ngóng tin. Thấy người bị nạn, nghĩ nếu như là mình cũng sẽ đáng thương lắm. Không chỉ riêng tôi, bà cụ má tôi ngoài 80 ở tận Thành phố Hồ Chí Minh ngày nào cũng gọi điện thoại hỏi thăm tình hình cứu người ở đây đấy chú ạ”.
Lo lắng, chờ đợi, khi thông tin cuộc giải cứu thành công lúc 16 giờ 30 phút, hàng triệu trái tim như cùng vỡ òa trong niềm hạnh phúc lớn. Còn có niềm vui nào hơn, chiến công nào đẹp hơn cho những trái tim Việt Nam cao đẹp tình người, thấm đậm nghĩa tình đồng bào thân thương ruột thịt, những trái tim luôn vững tin vào điều tốt đẹp, vào sự can trường, quả cảm.
Ngay khi đón nhận tin vui, tối cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gửi thư chúc mừng, thăm hỏi các nạn nhân và lực lượng cứu hộ. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã gọi điện chúc mừng các lực lượng cứu hộ và thăm hỏi sức khỏe các nạn nhân vừa được giải cứu thành công, sớm hơn dự kiến. Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, ông Nguyễn Xuân Tiến, không giấu niềm xúc động nói “không có điều gì vui bằng khi thấy 12 công nhân đều đã được giải cứu an toàn”.
Các phóng viên báo chí vừa cảm nhận niềm vui, niềm hạnh phúc chung, vừa tất bật tác nghiệp để kịp thời đưa niềm hạnh phúc lớn lao này đến với bạn đọc, người dân cả nước và cả bạn bè quốc tế. Viễn Sự, phóng viên Tuổi Trẻ, nói trong sự gấp gáp khi ngược xuôi phỏng vấn vừa chia vui, vừa như động viên: “Mừng quá anh ơi. Tụi mình chỉ cần đưa được một dòng tin thông báo anh em công nhân đã được giải cứu an toàn ngay lúc này là tốt rồi. Quan trọng nhất vẫn là anh em công nhân đã được cứu”. Niềm vui nhân niềm vui, đồng nghiệp Diễm Thương, báo Lâm Đồng, cũng nhòa lệ hét lên: “Anh ơi, họ ra rồi. Họ được đưa ra hết rồi anh ơi”.
Anh bạn trẻ người dân tộc Cil tên Plét, dân quân tự vệ xã Lát, gặp lại bên ngoài hầm cười thật tươi: “Mừng quá anh nhỉ. Họ được cứu ra ngoài an toàn rồi, không còn gì mừng hơn”. Vẫn đứng bên đường nhìn xuống hầm, gương mặt đẫm nước mắt, cô Trần Thị Ngọc cười mãn nguyện: “Thật mừng quá chú ạ. Ngày nào, đêm nào tôi cũng cầu nguyện cho anh em công nhân bị nạn sớm được cứu thoát. Thôi, hết lo rồi!”.
Và còn nhiều, nhiều nữa những lời chúc mừng, chia sẻ niềm hạnh phúc, vui mừng khôn xiết, bày tỏ sự khâm phục với ý chí và nỗ lực của các công nhân bị nạn cũng như các lực lượng cứu hộ đã thành công trong cuộc giải cứu này.
Nhóm phóng viên TTXVN tại Lâm Đồng