Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh và Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang đồng Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo.
Phát biểu khai mạc, Thượng tướng Lê Huy Vịnh cho biết, Hội thảo là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha anh, tưởng nhớ đến các đồng bào, đồng chí đã chiến đấu, hy sinh trong cuộc kháng chiến trường kỳ để giành và giữ độc lập dân tộc, tự do và thống nhất Tổ quốc.
Kết quả của Hội thảo sẽ góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ, tự cường và khát vọng hòa bình, củng cố niềm tin và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phủ nhận sự nghiệp đấu tranh cách mạng vĩ đại của nhân dân ta. Đồng thời, giúp nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn tầm vóc, ý nghĩa lịch sử cũng như những bài học kinh nghiệm có giá trị thực tiễn đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Tư lệnh Quân đoàn 3, thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương về mở cuộc Tiến công chiến lược Xuân - Hè 1972, từ ngày 30/3 đến ngày 5/6 năm 1972, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên mở Chiến dịch tiến công Bắc Tây Nguyên trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của địch, giải phóng khu vực Đăk Tô - Tân Cảnh và thị xã Kon Tum. Khi có điều kiện sẽ phát triển xuống Pleiku, hình thành vùng căn cứ hoàn chỉnh, nối liền với căn cứ địa miền Đông Nam Bộ, phối hợp với hướng tiến công chiến lược chính ở Trị - Thiên.
Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên về ý chí, quyết tâm chiến đấu, trình độ tác chiến, khả năng hiệp đồng binh chủng; khả năng vận dụng, phát triển nghệ thuật chiến dịch tiến công; vận dụng các hình thức chiến thuật, nhất là tiến công địch trong công sự vững chắc, để lại nhiều kinh nghiệm quý.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Trần Thanh Dân chia sẻ, với Mỹ - Ngụy, vùng nam Đăk Tô - Tân Cảnh là yết hầu, là phên dậu bảo vệ cho Đăk Tô - Tân Cảnh, là hậu phương tại chỗ của chúng. Với ta, vùng này đông dân sẽ là nơi giành dân với địch, là nơi ta có thể cắt đứt giao thông địch, bóp nghẹt yết hầu của chúng. Nếu giải phóng được vùng này, thế và lực của ta phát triển, đẩy địch vào thế bị động phòng ngự cố thủ ở thị xã Kon Tum, bảo vệ và xây dựng được vùng ta mới giải phóng.
Ngoài ra, hơn 80 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các địa phương, các đồng chí tướng lĩnh, sĩ quan, nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội đã đề cập một cách khá toàn diện, sâu sắc về chiến thắng có ý nghĩa quan trọng này.
Kết luận Hội Thảo, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh nêu rõ, các tham luận có nội dung phong phú, chất lượng khoa học tốt, góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều sự kiện và nội dung quan trọng, trong đó có một số khía cạnh mới được công bố về Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên Xuân - Hè 1972 cũng như đối với tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, hiện nay, nhiều tư liệu vẫn còn chưa được khai thác hết. Vì vậy, sau Hội thảo, các đơn vị của Bộ Quốc phòng cũng như địa phương cần tiếp tục sưu tầm, cung cấp các tư liệu, sự kiện liên quan đến trận Đăk Tô - Tân Cảnh nói riêng, Chiến dịch Bắc Tây Nguyên Xuân - Hè 1972 nói chung để các cơ quan, đơn vị bổ sung vào các công trình nghiên cứu, làm phong phú thêm sự kiện lịch sử có tầm vóc và ý nghĩa chiến lược này.
Đồng thời, các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong Quân đội cần tích cực khai thác, sử dụng kết quả nghiên cứu của các bài tham luận vào quá trình giáo dục - đào tạo, thực tiễn huấn luyện, học tập. Các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình tích cực tuyên truyền góp phần giáo dục lịch sử cho cán bộ, chiến sĩ, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ, hiểu đúng giá trị lịch sử của chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh đối với Chiến dịch Bắc Tây Nguyên và cuộc Tiến công chiến lược năm 1972...