Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai, việc tăng chi lương hưu, trợ cấp BHXH đối với đối tượng do ngân sách nhà nước chi trả khoảng 12,5%; hỗ trợ theo với người nghỉ hưu trước năm 1995; tăng chi ưu đãi cho người có công và các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%.
Việc thực hiện điều chỉnh này dự kiến thực hiện từ 1/7/2023. Riêng điều chỉnh tăng phụ cấp nghề với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở dự kiến thực hiện từ 1/1/2023.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho rằng, việc tăng lương cơ sở dựa trên nhiều ý tố. Trong đó có tính toán theo thang bảng lương, phụ cấp nghề, các quy định khác tại Nghị định /2019 của Chính phủ. Theo đó phải tính các mức, khoản sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích, các chế độ khác và cần tính toán chỉ tiêu lạm phát theo các năm làm căn cứ xác định, đảm bảo cuộc sống của người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
“Việc thực hiện tăng lương cơ sở là nỗ lực rất lớn của các cơ quan, được đề xuất và tính toán các điều kiện cần thiết để tăng. Sau khi tăng lương cơ sở thì các cơ quan chức năng sẽ tính toán, đề xuất thời điểm thực hiện cải cách tiền lương”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai nhấn mạnh.
Tuy nhiên đây là vấn đề rất lớn, trong đó có thách thức liên quan đến nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, đặc biệt trong bối cảnh đất nước vừa trải qua hơn 2 năm chống chọi với dịch COVID-19 và mới bắt đầu phục hồi kinh tế.
Cũng tại cuộc họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thông tin thêm: Nghị quyết 27 của Trung ương khóa XII đã xác định lộ trình cải cách tiền lương. "Tuy nhiên, 2 năm qua chúng ta ảnh hưởng hết sức nặng nề của đại dịch COVID-19. Do đó, cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị cũng chia sẻ với Đảng, Nhà nước, chưa tăng lương mà để dành nguồn lực đó cho công tác phòng chống dịch, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân sân, đặt tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết", Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nói.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng cho biết, do địa dịch COVID-19 nên không có điều kiện tăng lương trong giai đoạn vừa rồi. Hiện kinh tế đất nước đã có sự phục hội, tăng trưởng cũng đã có dấu hiệu khả quan. Vì vậy, việc tính tăng lương cơ sở trước, sau đó sẽ có lộ trình để thực hiện cải cách tiền lương.
Tuy nhiên việc này còn phụ thuộc vào ngân sách, nguồn lực quốc gia, phải cân đối kỹ lưỡng giữa đầu tư cho phát triển và đầu tư cho con người. Điều đó phải cân nhắc kỹ lưỡng.
"Tất nhiên trả lương cho cán bộ công chức cũng là đầu tư cho phát triển nhưng nếu như không có thúc đẩy khác nữa thì rất khó. Đầu tư cho phát triển để trên cơ sở đó thu tiền thuế nhiều hơn, có ngân sách tốt hơn thì lúc đó chúng ta có lộ trình cải cách tiền lương", Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nói.