Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và Tạo thuận lợi thương mại, đã khẳng định như vậy tại phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban, sáng 8/12.
* Chuyển động từ người đứng đầu
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ nguyên nhân sâu xa của những tồn tại này đến từ cơ chế phối, kết hợp giữa các Bộ, ngành trong thực hiện thủ tục hành chính. “Quan trọng nhất là nhận thức các cấp, các ngành, các bộ tham gia. Nhận thức không chỉ của cơ quan quản lý nhà nước mà của cộng đồng doanh nghiệp, người dân nói chung… Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chính là tạo thuận lợi cho đất nước. Chính phủ đã khẳng định rõ Chính phủ đồng hành, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN |
Nhấn mạnh đến những lợi ích trong thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Phó Thủ tướng cho rằng bên cạnh tiết kiệm chi phí, thời gian thông quan cho doanh nghiệp, tạo hình ảnh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn, góp phần cải thiện thứ hạng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Cơ chế này còn mang lại những lợi ích gián tiếp, bao trùm nhất là góp phần xây dựng nền hành chính quốc gia hiện đại. Đây chính là một cấu phần của Chính phủ điện tử. Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19/NĐ - CP về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết 35/NĐ - CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế. Vì vậy, Cơ chế này là rất ý nghĩa.
Nêu rõ, hiện mới có 36/280 thủ tục hành chính được đưa lên kết nối trên Cơ chế một cửa quốc gia (chiếm 13%), trong khi mục tiêu đề ra là tham vọng, đến năm 2018 có 80% và đến năm 2020, con số này là 100% thủ tục hành chính (280 thủ tục) thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia, Phó Thủ tướng đặt vấn đề về quan điểm, cách thức nhận thức, tổ chức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, các giải pháp về khung khổ pháp lý. “Trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu, Bộ trưởng mà không chuyển động sẽ khó mà làm được". Phó Thủ tướng nói.
Nói về mục tiêu tổng quát, Phó Thủ tướng yêu cầu tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quá cảnh, người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Tham gia và triển khai đầy đủ Cơ chế một cửa ASEAN theo đúng cam kết và lộ trình thực hiện với các nước ASEAN; sẵn sàng về mặt kỹ thuật để kết nối và trao đổi thông tin với các đối tác thương mại khác ngoài ASEAN theo các thỏa thuận thương mại của hiệp định song phương, đa phương. Tạo thuận lợi thương mại nhiều nhất, tốt nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao là đến năm 2020 phải nằm trong top ASEAN-4.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đến năm 2018 phải tạo ra bước chuyển biến căn bản, hoàn thành triển khai mở rộng trong phạm vi toàn quốc các thủ tục đối với phương tiện, hàng hóa vận tải vào, rời cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi; các thủ tục đối với phương tiện vận tải vào, rời cảng hàng không thông qua Cơ chế một cửa quốc gia; kết nối được ít nhất 80% tổng số các thủ tục hành chính của các bộ, ngành có liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải. Đến năm 2020, toàn bộ 280 thủ tục hành chính của các bộ, ngành tham gia quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Đây là điều không dễ dàng, phải thực sự rất quyết tâm mới đạt được.
Song, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, đưa các thủ tục lên Cơ chế một cửa quốc gia nhưng không thu hút được doanh nghiệp tham gia sẽ cũng không đạt được hiệu quả cuối cùng. “Đưa lên quan trọng là như thế nào, thu hút được bao nhiêu doanh nghiệp, tiết kiệm được bao nhiêu chi phí trực tiếp, chi phí gián tiếp, góp phần phát triển kinh tế xã hội thế nào”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
Phó Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ủy ban nghiên cứu, xem xét sự cần thiết xây dựng nghị định để quy định tốt nhất về kết nối một cửa quốc gia và một cửa ASEAN. Các bộ, ngành rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính, rà soát các thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hải quan, bởi đây là vấn đề quan trọng và phức tạp, trì trệ ách tắc cũng từ khâu này. Đại diện Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và Tạo thuận lợi thương mại cần tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe, đánh giá nhu cầu và sự hài lòng của doanh nghiệp, công khai, minh bạch, tiến đến giảm bớt phiền hà, tiêu cực, nhũng nhiễu trong lĩnh vực quản lý hành chính, nhất là vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu, thương mại, đầu tư, góp phần xây dựng một nền hành chính quốc gia hiện đại.
“73 nhóm thủ tục chuyên ngành cũng phải rà soát, hoàn thiện, làm sao tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước nhưng cũng phải tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
* 213.000 bộ hồ sơ hành chính được xử lý