Đây là khẳng định của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải khi cho ý kiến về tờ trình của Chính phủ về điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 tại phiên họp thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 16/8.
Theo báo cáo của Chính phủ, tại Nghị quyết số 101/2015/QH13 Quốc hội đã thông qua 50.000 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài nguồn ngân sách Trung ương năm 2016. Trong số này, Chính phủ đã phân bổ chi tiết 48.700 tỷ đồng, còn lại 1.300 tỷ đồng để lại dự phòng chưa phân bổ. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 5/2016, đã giải ngân được 17.297,746 tỷ đồng, đạt 36,1% kế hoạch vốn đã giao.
Trong quá trình triển khai, Chính phủ cho biết tiến độ triển khai và giải ngân của các dự án rất khác nhau. Có nhiều dự án giải ngân nhanh hoặc đã giải ngân hết số vốn kế hoạch. Ngược lại nhiều trường hợp giải ngân rất thấp, thậm chí chưa giải ngân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, có nhiều nguyên nhân giải ngân chậm, trong đó chủ yếu là do sự khác biệt trong các thủ tục đấu thầu trong nước và nhà tài trợ, giải phóng mặt bằng chậm, năng lực quản lý dự án hạn chế, vốn đối ứng không đủ, không được giải ngân theo tiến độ thực hiện... Ngoài ra, một số dự án kết thúc hiệp định trong năm nay, nhà tài trợ không đồng ý cho kéo dài thời gian giải ngân sang năm sau (nhà tài trợ chấm dứt việc cấp vốn trong năm nay), do đó sẽ không có đủ vốn để hoàn thành dự án, đồng thời ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam.
Từ các lý do nêu này, Chính phủ đã trình UBTVQH cho phép điều hòa kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 giữa các dự án và giữa các bộ, ngành và địa phương. Theo đó, Chính phủ đề nghị được chủ động bổ sung số vốn kế hoạch nước ngoài năm 2016, Quốc hội chưa phân bổ chi tiết (1.300 tỷ đồng) cho các dự án chưa được giao kế hoạch hoặc đã giải ngân hết kế hoạch năm 2016, nhà tài trợ đang yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong năm 2016. Bên cạnh đó, cắt giảm 78,5 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài của 3 địa phương không có nhu cầu để bổ sung cho các bộ, ngành khác; điều hòa kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 giữa các bộ, ngành, địa phương trong tổng mức 50.000 tỷ đồng theo nguyên tắc giảm vốn với các dự án giải ngân thấp hoặc chưa giải ngân, để điều chuyển cho các dự án đã giải ngân cao hoặc giải ngân hết kế hoạch, cần bổ sung thêm.
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, một số bộ, ngành, địa phương mới nhận được kế hoạch giao dự toán nhưng đến tháng 7 Chính phủ đã đề nghị thu hồi. Điều này cho thấy, trong nhiều năm qua, công tác quản lý, sử dụng vốn nước ngoài còn nhiều bất cập. Việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh kế hoạch vốn một lần nữa khẳng định những tồn tại, hạn chế trong việc xây dựng dự toán, đề xuất danh mục, phân bổ, sử dụng nguồn vốn nước ngoài hiện nay.
Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu đại diện của Chính phủ giải trình về việc phân bổ vốn. “Luật Đầu tư công quy định rất rõ là dự án phải đầy đủ thủ tục mới được bố trí vốn, bây giờ anh lại bảo là chưa đủ thủ tục là sao? Vậy tại sao anh lại trình ra Quốc hội để phân bổ vốn khi chưa đủ thủ tục?”, ông Hiển chất vấn.
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Thế Phương cho rằng, thời điểm trình danh mục dự án để Quốc hội phân giao vốn thì cũng có những dự án được hy vọng là sẽ đáp ứng đầy đủ thủ tục, điều kiện. “Luật làm gì có điều nào tên là hy vọng”, ông Hiển ngắt lời.
Đồng tình với đa số ý kiến với các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe lại, và nếu cần thiết thì báo cáo Quốc hội để điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2016. “Tất cả những vấn đề điều chỉnh, bổ sung cụ thể đều phải được giải trình thấu đáo”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.