Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chủ trì cuộc họp. Cùng dự có đại diện một số bộ, ngành Trung ương và đại diện 6 nhóm ngân hàng phát triển: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện các nhiệm vụ của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được giao, bao gồm việc tập trung đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư công nguồn vốn nước ngoài năm 2021 và phần kế hoạch vốn năm 2020 được kéo dài, chuyển nguồn. Từ cuối năm 2020 và đặc biệt từ đầu tháng 5 đến nay, dịch COVID-19 đã bùng phát trở lại ở nhiều địa phương, làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân nguồn vốn nước ngoài.
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài nguồn ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2021 là 6540 tỷ đồng, đạt 12,69% kế hoạch vốn năm 2021 được giao. Nếu tính cả phần vốn kéo dài từ năm trước sang năm 2021, tỷ lệ ước giải ngân 9 tháng đạt 10.647 tỷ đồng, đạt 18,33%.
Về nguyên nhân giải ngân chậm từ đầu năm đến nay, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải một số nguyên nhân khách quan như: công tác cấp giấy phép lao động cho các chuyên gia dự án ODA, việc thu xếp thủ tục nhập cảnh thường kéo dài trên hai tháng; nhân công bố trí trên công trường thi công của các nhà thầu bị hạn chế do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; chuyên gia nhập cảnh phải cách ly theo quy định; chủ đầu tư các dự án ODA gặp khó khăn trong việc nhập khẩu các thiết bị, hàng hóa phục vụ cho các dự án ODA…
Về nguyên nhân chủ quan, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, quy định về điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án ODA theo Nghị định 56 áp dụng chung cho các dự án ODA đã gây khó khăn và kéo dài thời gian thực hiện thủ tục, đồng thời chưa tính đến những đặc thù cũng như phân loại dự án ; một số dự án đã được bố trí vốn, hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng chậm triển khai giải phóng mặt bằng, chưa hoàn tất thiết kế cơ sở…; một số dự án lại vướng mắc ở khâu chính sách, quy trình, thủ tục…
Đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 56, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giải trình, tiếp thu, bổ sung một số nội dung tại dự thảo Nghị định. Theo đó, điều chỉnh chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo hướng phân cấp, đơn giản hóa quy trình, thủ tục đối với trường hợp điều chỉnh thời gian thực hiện dự án không làm thay đổi những nội dung còn lại của Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư. Đối với khoản hỗ trợ ngân sách, chỉ quy định hình thức vay hỗ trợ ngân sách chung theo cơ chế hòa đồng cho ngân sách Trung ương. Đối với khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu, chỉ quy định khoản vay hỗ trợ ngân sách có mục tiêu thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 56 cũng nêu nhiều nội dung về đơn giản hóa các quy định, thủ tục liên quan đến nguồn vốn ODA.
Nêu ý kiến tại cuộc họp, đại diện 6 nhóm ngân hàng phát triển đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong quá trình xây dựng thể chế, triển khai dự án và giải ngân nguồn vốn ODA. Một số đại diện nhóm ngân hàng đề nghị, cần xét duyệt những dự án có tính kết nối theo vùng, có quy mô lớn chứ không nhỏ lẻ theo từng địa phương, từ đó sẽ có hiệu quả trên diện rộng.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho rằng, khi Việt Nam trở thành một quốc gia có mức thu nhập cao hơn sẽ có những dự án quy mô và phức tạp hơn. Tuy nhiên, trong danh mục những dự án được xét duyệt nguồn vốn ODA vẫn còn có những dự án nhỏ lẻ, có sự lặp lại các dự án tại nhiều địa phương.
Bà Carolyn Turk nêu ví dụ, các quốc gia khác khi xử lý những thách thức về tài nguyên nước sẽ có một chương trình quốc gia về vấn đề này. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đã có một dự án xử lý nước ở Bình Dương và một số địa phương khác. Những dự án này riêng lẻ, độc lập với nhau và không tạo ra được kết quả liên vùng.
Theo bà Carolyn, những dự án nhỏ chỉ xử lý được những vấn đề nhỏ nhưng với dự án lớn hơn sẽ có hiệu quả kinh tế tốt hơn. Đại diện Ngân hàng thế giới bày tỏ mong muốn hợp tác với Chính phủ Việt Nam ở một dự án lớn cùng với tác động lớn hơn, tuy nhiên việc này cũng mất nhiều thời gian cho việc xây dựng dự án.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh khẳng định, Chính phủ Việt Nam tiếp tục coi nguồn vốn ODA là hết sức quan trọng. Chính vì vậy, trong các kế hoạch đầu tư công trung hạn, Việt Nam đều dành một phần dự trù huy động nguồn vốn ODA cho phát triển kinh tế - xã hội.
Cuộc họp này rất có ý nghĩa khi Chính phủ đang hoàn thiện các thể chế, trong đó có thể chế liên quan đến quản lý sử dụng nguồn vốn ODA, cụ thể là giai đoạn cuối cùng hoàn chỉnh Nghị định thay thế Nghị định 56 liên quan đến ODA. Trong quá trình xây dựng Nghị định này, các cơ quan của Việt Nam đã tiếp thu ý kiến của các nhà tài trợ, trong đó có 6 nhóm ngân hàng phát triển. Với những ý kiến đóng góp của 6 nhóm ngân hàng tại cuộc họp này, các cơ quan của Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh Nghị định thay thế Nghị định 56.
Phó Thủ tướng cho biết, với một số vấn đề nhóm ngân hàng nêu, các cơ quan của Việt Nam sẽ nghiên cứu và giải thích rõ những vấn đề thuộc văn bản luật, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, từ đó có hướng sửa đổi để quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay này.
Thông tin lại với 6 nhóm ngân hàng, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết, một số luật liên quan đến nguồn vốn ODA, đầu tư công như Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu đang được đề xuất sửa đổi. Chính phủ Việt Nam xem xét để tối giản nhất các thủ tục nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả; đồng thời mong muốn 6 nhóm ngân hàng cũng xem xét để hài hòa hóa các thủ tục của ngân hàng với các thủ tục của Việt Nam. Liên quan đến vấn đề thủ tục pháp lý, Phó Thủ tướng đề nghị các ngân hàng tuân thủ pháp luật Việt Nam song có thể đơn giản hóa các thủ tục theo hướng cùng đảm bảo lợi ích.
Về huy động nguồn vốn phát triển theo ODA cho giai đoạn 2021-2025, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng mục tiêu ưu tiên xây dựng và đưa vào chương trình giai đoạn này. Phó Thủ tướng mong muốn 6 nhóm ngân hàng phát triển căn cứ trên những ưu tiên của Việt Nam để cùng với Chính phủ Việt Nam, cho vay những dự án phù hợp với mục tiêu phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Đánh giá cao những ý kiến đóng góp của 6 nhóm ngân hàng phát triển vào việc xây dựng thể chế cũng như những vấn đề vướng mắc, quan tâm của các ngân hàng, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam tiếp thu ý kiến đó và sẽ cùng với các ngân hàng để triển khai các dự án hiệu quả cũng như thực hiện tốt. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Mục tiêu của Chính phủ Việt Nam rất rõ là từ nay đến cuối năm, chúng tôi phải quyết tâm đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn đầu tư công nói chung, cũng như giải ngân nguồn vốn ODA. Đó là quyết tâm của chúng tôi nhưng có thực hiện được hay không phải có sự hỗ trợ của các ngân hàng".