Sáng 13/1, tại Hà Nội, Hội đồng Dân tộc đã tổ chức phiên giải trình tình hình thực hiện Nghị định 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh, Nghị định 116 là một chính sách, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đã được các địa phương chủ động, tích cực triển khai thực hiện. Đặc biệt, 2 ngành giáo dục, y tế với sự ưu đãi phụ cấp ngành, phụ cấp khu vực và chính sách thu hút đã từng bước khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên và cán bộ y tế kéo dài trong nhiều năm.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến kết luận phiên giải trình. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định 116 cũng nảy sinh nhiều vấn đề còn tồn tại, hạn chế. Đặc biệt là sự thiếu tính thống nhất về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của nghị định. Đối tượng thụ hưởng theo Nghị định 116 cũng bao trùm nhiều đối tượng đã được thụ hưởng các chính sách ưu đãi trước đó. Việc thiếu hướng dẫn cụ thể đã dẫn tới tình trạng chi trả mỗi nơi mỗi khác, có nơi thực hiện đồng thời nhiều chính sách cho một đối tượng, có nơi lại chỉ thực hiện một chính sách.
Cũng bởi quy định có phần chưa chặt chẽ, nên một số xã không thuộc khu vực đặc biệt khó khăn, mà là xã theo chương trình 135, xã an toàn khu, xã khu vực I, xã khu vực II cũng được thụ hưởng, dẫn tới số tiền ngân sách phải chi trả hằng năm quá lớn.
Báo cáo của Hội đồng Dân tộc cũng chỉ rõ, một số địa bàn chi sai đối tượng đã được xác định, tuy Bộ Tài chính đã có chỉ đạo không thu hồi, nhưng công tác rà soát, điều chỉnh và giải quyết, xử lý hậu quả vẫn chưa được thực hiện kịp thời (như Thái Nguyên, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Kon Tum, Quảng Ngãi, Phú Yên…).
Chất vấn tại phiên giải trình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đề nghị đại diện các Bộ liên quan làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với việc ban hành Nghị định 116/2010/NĐ-CP. “Khi ban hành Nghị định 116, các Bộ đã đánh giá tác động chính sách đến tình hình kinh tế - xã hội hay chưa? Đã tính đến khả năng cân đối ngân sách để thực hiện việc chi trả cho các đối tượng hay không?”. Quan tâm đến các trường hợp chi sai chính sách, ĐB Hoàng Văn Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La), ĐB Phương Thị Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) đề nghị làm rõ con số chi sai chính sách? Cách xử lý đối với những trường hợp chi sai chính sách và những trường hợp chưa được thụ hưởng chính sách như thế nào?
Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, quá trình xây dựng Nghị định số 116 đã tiến hành khảo sát đánh giá tác động, lấy ý kiến của các địa phương. Đây là chính sách rất nhân văn và đã nhận được sự đồng tình của các địa phương. Tuy nhiên do chưa có tổng hợp đánh giá đầy đủ kết quả thực hiện các chính sách thực hiện trước đó dẫn đến sự trùng lắp trong việc thực hiện chính sách. Ngoài ra, việc xác định địa giới vùng đối với các xã vùng bãi ngang, ven biển có sự chênh lệch dẫn đến vướng mắc trong quá trình áp dụng.
Đại diện Bộ Nội vụ cũng thừa nhận đây là bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, hoạch định chính sách. Thời gian tới, các bộ, ngành sẽ phải tổng kết nghiêm túc các nghị định để tránh sự trùng lắp, chồng chéo. Trên cơ sở đó hợp nhất, tích hợp chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang công tác ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trong một Nghị định mới. Nghị định mới sẽ được quy định theo hướng các địa bàn khác nhau, đối tượng khác nhau thì sẽ thụ hưởng các chính sách khác nhau; kịp thời điều chỉnh, bổ sung địa bàn áp dụng, đối tượng thụ hưởng khi có sự thay đổi.
Đối với số tiền chi sai chính sách, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lễ Vĩnh Tân cho biết hiện chưa có thống kê cụ thể nhưng tới đây tổng kết thực hiện Nghị định 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ sẽ hướng dẫn các địa phương báo cáo đầy đủ, đồng thời cũng sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra làm rõ. “Các trường hợp đối tượng đúng mà chưa được thụ hưởng thì sẽ thực hiện việc chi trả. Còn các trường hợp chi sai, chi trùng lắp, quan điểm của Bộ Nội vụ là cương quyết thu hồi để đảm bảo sự công bằng, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật hành chính”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.
Cùng với Bộ Nội vụ, đại diện các Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, Bộ Giáo dục... cũng đã làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện chính sách.
Kết luận phiên giải trình, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kết việc triển khai thực hiện Nghị định 116/2016/NĐ-CP, đánh giá toàn diện tình hình kinh tế - xã hội sau 5 năm triển khai; xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 116 trong đó quy định rõ tiêu chí xác định vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, rõ đối tượng thụ hưởng. Làm rõ chính sách phụ cấp, hỗ trợ, trợ cấp, các mức trợ cấp, phụ cấp cụ thể. Đặc biệt không cào bằng chính sách mà có chính sách cụ thể với từng đối tượng, địa bàn cụ thể.
Giai đoạn 2011-2015, tổng số kinh phí chi trả cho các đối tượng nằm trong diện hưởng chính sách là 24.817.058 triệu đồng |