Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện các chính sách nhập, xuất cảnh đối với người nước ngoài thực hiện theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 về việc áp dụng các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch.
Cấp thị thực điện tử nhằm cụ thể hóa quy định về quản lý xuất, nhập cảnh
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2020.
Luật này bổ sung các quy định nhằm luật hóa chính sách cấp thị thực điện tử đang thực hiện thí điểm từ ngày 1/2/2017 theo Nghị quyết số 30/2016/QH14 của Quốc hội và chính sách miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đang thực hiện từ năm 2013 theo Quyết định số 80/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Căn cứ quy định của Luật, ngày 25/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 79/NQ-CP về danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử; danh sách các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử và Nghị quyết số 80/NQ-CP về việc miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Nghị quyết số 79/NQ-CP được ban hành với những nội dung cơ bản xây dựng trên cơ sở áp dụng chính thức các quy định liên quan đến chính sách thị thực điện tử đang thí điểm. Theo đó, danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử gồm 80 nước hiện đang được thực hiện thí điểm; danh sách các cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử gồm 37 cửa khẩu quốc tế (trong đó có 33 cửa khẩu hiện đang thí điểm).
Nội dung của Nghị quyết số 80/NQ-CP được xây dựng trên cơ sở luật hóa chính sách miễn thị thực 30 ngày cho người nước ngoài nhập cảnh khu kinh tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang theo Quyết định số 80/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Để phù hợp với hiệu lực thi hành của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Nghị quyết số 79/NQ-CP và số 80/NQ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2020. Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện các chính sách nhập, xuất cảnh đối với người nước ngoài thực hiện theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ có thông báo số 102/TB-VPCP truyền đạt kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, Việt Nam tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài vào Việt Nam, áp dụng từ 0 giờ ngày 22/3/2020. Riêng đối với trường hợp nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và các trường hợp đặc biệt (khách nước ngoài tham dự, phục vụ các hoạt động đối ngoại quan trọng; chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao...), Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan thực hiện cấp thị thực (nếu cần) và thực hiện các thủ tục kiểm tra, khai báo y tế bắt buộc tại khu vực riêng, cách ly phù hợp tại cơ sở lưu trú theo đúng quy định.
Thúc đẩy phát triển du lịch
Theo lãnh đạo Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, việc cấp thị thực điện tử cho công dân nước ngoài trước đây thực hiện thí điểm, từ những hiệu quả mang lại sau này đã được luật hóa. Đây là một bước cải cách hành chính trên nền tảng công nghệ thông tin sẽ thúc đẩy ngành du lịch ngày một phát triển hơn.
Đồng thời, việc cấp thị thực điện tử nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài vào Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam trong việc mời, đón, làm việc với người nước ngoài nhưng vẫn đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Lãnh đạo Cục Quản lý Xuất nhập cảnh cho biết thêm, do được thực hiện thí điểm nhiều năm nên cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, đảm bảo việc cấp thị thực điện tử thông suốt. Cục cũng đang tiến hành nâng cấp hệ thống này để đảm bảo phục vụ tốt hơn.