Sáng 21/6, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).
Theo báo cáo giải trình của ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, một số ý kiến cho rằng biển số xe được phép đấu giá thì phải bãi bỏ khoản 22 điều 8 của Luật Giao thông đường bộ quy định về việc cấm mua bán biển số xe. Ý kiến khác lại cho rằng, nếu đem đấu giá biển số xe thì sẽ là tài sản riêng và người có biển số xe có thể đem bán sau này khi không sử dụng không?. Việc quản lý nhà nước về biển số xe sẽ thực hiện như thế nào?.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, kho số của Nhà nước gồm nhiều loại khác nhau và được khai thác bằng các hình thức khác nhau để phù hợp với tính chất, đặc điểm yêu cầu quản lý của từng loại kho số như: số xe, số tàu, thuyền, máy bay... đảm bảo với chính sách của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ.
Quốc hội thông qua Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi). |
Mặt khác, kho số phục vụ quản lý Nhà nước là một loại tài nguyên, việc quản lý sử dụng phải phù hợp với nguyên tắc chung quy định tại điều 6 về sử dụng và khai thác nguồn lực tài chính từ tài nguyên tại mục 2 chương 7 của dự thảo Luật. Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết việc khai thác từng loại kho số phục vụ quản lý Nhà nước để đảm bảo các yêu cầu nêu trên.
Riêng đối với biển số xe, việc đấu giá nếu có không được làm ảnh hưởng tới việc quản lý Nhà nước đối với phương tiện giao thông, vì mỗi biển số được cấp gắn với một phương tiện giao thông, người trúng đấu giá không được quyền bán lại biển số xe đã cấp, như vậy không mâu thuẫn với khoản 22, điều 8 của Luật Giao thông đường bộ.
Ngay sau đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) với 460 đại biểu tán thành thông quan (93,69%); 3 đại biểu không tán thành (0,61%) và 3 đại biểu không biểu quyết (0,61%).