Phiên họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV:

Cho ý kiến hai đề án của Kiểm toán nhà nước

Chiều 21/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thảo luận, cho ý kiến về hai Đề án của Kiểm toán nhà nước, gồm: Tổ chức, biên chế của kiểm toán nhà nước đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; vị trí việc làm của kiểm toán nhà nước.

* Chuẩn bị kỹ lưỡng Đề án

Tờ trình số 1665/TTr-KTNN của Kiểm toán nhà nước về việc cho ý kiến “Đề án tổ chức, biên chế của Kiểm toán nhà nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” cho thấy, theo Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2020 và Quy định số 215-QĐ/TW ngày 05/12/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tổ chức bộ máy của Kiểm toán nhà nước gồm 40 đơn vị cấp vụ và tương đương (thành lập thêm 8 đơn vị cấp vụ); 

Căn cứ quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, bám sát chủ trương của Nhà nước, coi trọng về chất lượng hoạt động, tiết kiệm kinh phí ngân sách nhà nước, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, Kiểm toán nhà nước đề xuất: Thành lập Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VIII thực hiện kiểm toán chuyên ngành về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường và tài nguyên khác để góp phần quản lý tốt nguồn tài nguyên, khoáng sản, giảm thiểu rủi ro và bảo vệ môi trường. 

Đây là nguồn lực quan trọng của quốc gia và luôn là chủ đề nóng, quan tâm của dư luận xã hội. Thành lập Vụ Tài chính trên cơ sở tách Ban Tài chính hiện đang trực thuộc Văn phòng Kiểm toán nhà nước để phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và là đơn vị đầu mối trong quản lý, chỉ đạo tài chính kế toán 17 đơn vị dự toán trực thuộc có con dấu riêng, tài khoản sử dụng kinh phí độc lập của Kiểm toán nhà nước. 

Đổi tên Trung tâm Tin học thành Trung tâm Công nghệ thông tin và Lưu trữ thư viện; đồng thời, bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho đơn vị để đáp ứng yêu cầu lưu trữ về khối lượng thông tin, tài liệu, số liệu với thời hạn lưu trữ tài liệu tương đối dài (tối thiểu là 10 năm); hệ thống các thông tin dữ liệu về đối tượng kiểm toán xây dựng thành hệ thống và cập nhật thường xuyên; phục vụ cho việc theo dõi, nghiên cứu, phân tích và khai thác của Kiểm toán nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền.

Các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về hai Đề án của Kiểm toán nhà nước. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Như vậy, so với Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2020, giảm được 6 đơn vị trực thuộc, gồm: Kiểm toán nhà nước khu vực XIV, Kiểm toán nhà nước khu vực XV, Vụ Thi đua - Khen thưởng; Trung tâm Thông tin, tư liệu và thư viện; Viện Nghiên cứu Khoa học kiểm toán; Thời báo Kiểm toán.

Về biên chế giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn 2030: Để thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, phù hợp với tổ chức bộ máy và trên cơ sở triển khai xác định 89 vị trí việc làm hiện tại cho công chức và viên chức, Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2020 dự kiến giao Kiểm toán nhà nước 3.500 biên chế. 

Tuy nhiên, thực hiện Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở và Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, do yêu cầu tăng nhiệm vụ theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015, Kiểm toán nhà nước đề xuất biên chế của Kiểm toán nhà nước dãn lộ trình triển khai, dàn đều trong 10 năm, từ năm 2016 đến năm 2025. 

Giai đoạn 2016-2020: Nguồn nhân lực là 2.629 người, trong đó gồm 2.374 công chức và 255 viên chức. Giai đoạn đến năm 2025: nguồn nhân lực của Kiểm toán nhà nước tăng thêm là 425 công chức. Như vậy, tổng cộng hai giai đoạn 10 năm (từ 2016-2025) tổng số đội ngũ công chức, viên chức Kiểm toán nhà nước đến năm 2025 là 3.054 người (giảm so với Chiến lược là 446 người). Giai đoạn 2025 đến 2030: trên cơ sở ổn định số biên chế đã có, Kiểm toán nhà nước tập trung kiện toàn, sắp xếp, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng nhiệm vụ đặt ra.

Tờ trình số 1666/TTr-KTNN ngày 16/12/2016 của Kiểm toán nhà nước về việc phê duyệt “Đề án Vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức của Kiểm toán nhà nước” xác định danh mục gồm 60 vị trí việc làm đối với công chức. Trong đó: nhóm vị trí việc làm gắn với công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành: 24 vị trí; nhóm vị trí việc làm gắn với công việc chuyên môn, nghiệp vụ: 31 vị trí; nhóm vị trí việc làm gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ: 05 vị trí. 

Kiểm toán nhà nước xác định danh mục gồm 29 vị trí việc làm đối với viên chức. Trong đó nhóm vị trí việc làm gắn với công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành: 10 vị trí; nhóm vị trí việc làm gắn với công việc chuyên môn, nghiệp vụ: 13 vị trí; nhóm vị trí việc làm gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ: 06 vị trí.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thể hiện sự đồng tình với Tờ trình của Kiểm toán nhà nước về “Đề án tổ chức, biên chế của Kiểm toán nhà nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nhấn mạnh Kiểm toán nhà nước đã có bước tiết kiệm biên chế, Đề án giảm so với Chiến lược là 446 người, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng đây là sự cố gắng lớn của toàn ngành trong khi nhiệm vụ của kiểm toán ngày càng tăng lên.

Đánh giá cao sự chuẩn bị Tờ trình của Kiểm toán rất cụ thể, chi tiết, trách nhiệm và cầu thị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh việc Đề án xác định giảm biên chế so với Chiến lược là 446 người; giảm 6 đơn vị trực thuộc so với Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2020 đã thể hiện sự nỗ lực của toàn ngành. Tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội đề nghị Kiểm toán nhà nước cần làm rõ việc giảm bộ máy, con người trong điều kiện nhiệm vụ của ngành ngày càng tăng liệu có sự mẫu thuẫn hay không, có đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của ngành hay không.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao sự chuẩn bị hai Đề án công phu, chất lượng có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan của Kiểm toán nhà nước; tán thành quan điểm, mục tiêu, yêu cầu xây dựng Đề án...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đề xuất biên chế của Kiểm toán nhà nước. Giai đoạn 2016-2020: nguồn nhân lực là 2.629 người. Giai đoạn đến năm 2025: Nguồn nhân lực của Kiểm toán nhà nước tăng thêm là 425 công chức. Tổng cộng hai giai đoạn, đội ngũ công chức, viên chức Kiểm toán nhà nước đến năm 2025 là 3.054 người (giảm so với Chiến lược là 446 người)...

Trên cơ sở ý kiến của Thường vụ Quốc hội tại phiên làm việc này, Kiểm toán nhà nước hoàn chỉnh lại, làm thành hồ sơ để báo cáo Bộ Chính trị. Sau khi đã có ý kiến của Bộ Chính trị, Kiểm toán nhà nước chuẩn bị Tờ trình để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

* Cho ý kiến Đề án và kịch bản tổng thể tổ chức ASOSAI 14

Thời gian còn lại của buổi làm việc chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án và kịch bản tổng thể tổ chức Đại hội Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (ASOSAI 14) năm 2018.

Tờ trình cho ý kiến về Đề án và thành lập Ban chỉ đạo liên ngành chuẩn bị và tổ chức Đại hội ASOSAI 14 của Kiểm toán nhà nước nêu rõ: Ban Bí thư Trung ương Đảng và Lãnh đạo Quốc hội đã đồng ý về chủ trương Kiểm toán nhà nước Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội ASOSAI 14 năm 2018; Đại hội ASOSAI lần thứ 13 năm 2015 tại Ma-lai-xi-a đã thông qua việc Kiểm toán nhà nước Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội ASOSAI 14.

Kiểm toán nhà nước Việt Nam lần đầu tiên đăng cai Đại hội ASOSAI 14 là sự kiện chính trị-ngoại giao có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự trưởng thành và phát triển của Kiểm toán nhà nước cả trong nước, khu vực và trên thế giới.

ASOSAI được thành lập năm 1979 với 11 thành viên, đến nay có 46 thành viên là các cơ quan kiểm toán tối cao. Mục tiêu hoạt động của ASOSAI là thúc đẩy hợp tác, hữu nghị giữa các SAI thành viên nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả trong lĩnh vực kiểm toán công; kết nối các Kiểm toán nhà nước (SAI) thành viên trong khu vực với các khu vực khác trên thế giới.

Đại hội ASOSAI được tổ chức 3 năm/lần; đối tượng chính thức tham dự Đại hội bao gồm các SAI thành viên; ngoài ra, tham dự Đại hội có đại diện của INTOSAI, các tổ chức kiểm toán khu vực của INTOSAI, các đối tác phát triển, các nhà tài trợ (tổng số khoảng 60 đoàn đại biểu quốc tế). Nhiệm vụ chính của Đại hội ASOSAI là quyết định những vấn đề quan trọng, như bầu chọn Ban điều hành, phê chuẩn vị trí Chủ tịch và Tổng Thư ký nhiệm kỳ mới.

Chủ đề thảo luận chuyên môn tại Đại hội ASOSAI 14 do Kiểm toán nhà nước Việt Nam khởi xướng là "Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững" đã được nhiều SAI trong khu vực ủng hộ vì mang tính thời sự cao, xuất phát từ những vấn đề cấp thiết, thách thức mà thế giới/khu vực và Việt Nam đang phải đối mặt.

Kiểm toán nhà nước dự kiến tổ chức Đại hội ASOSAI 14 vào tháng 9 năm 2018. Các sự kiện chính thức của Đại hội diễn ra trong 04 ngày, Kiểm toán nhà nước dự kiến từ ngày 19/9 - 22/9 năm 2018. Ngoài ra, các cuộc họp cấp kỹ thuật, chuyên môn của các ủy ban, nhóm công tác và kỳ họp Ban điều hành 52 diễn ra 03 ngày trước đó. Địa điểm tổ chức Đại hội ASOSAI 14 (kỳ họp Ban điều hành ASOSAI lần thứ 50 tại Thái Lan tháng 2 năm 2016 cũng đã thống nhất) là Thủ đô Hà Nội.

Kiểm toán nhà nước đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án tổ chức Đại hội ASOSAI 14 với thời gian, địa điểm và công tác chuẩn bị bộ máy tổ chức Đại hội như đề xuất của Kiểm toán nhà nước; ban hành Nghị quyết thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành chuẩn bị và tổ chức Đại hội ASOSAI 14...

Quỳnh Hoa (TTXVN)
Thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế
Thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế

Sáng 21/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (thay thế Nghị quyết số 7/2003/NQ-UBTVQH11).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN