Cho ý kiến sửa đổi bộ Luật Hình sự, Luật tố tụng hình sự: Tăng cường tính minh bạch và quốc tế hóa

Trong số nhiều nội dung được thảo luận tại phiên họp thứ 37 UB Thường vụ Quốc hội khóa XIII (từ 6 - 10/4), nội dung đặc biệt quan trọng được các đại biểu cho ý kiến là các dự án luật quan trọng như: Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Việc sửa đổi các Bộ luật này được nhấn mạnh: có tính minh bạch hơn, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ quyền con người, tăng cường hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, là các dự án luật được thảo luận: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương… UBTVQH cũng nghe và cho ý kiến về báo cáo giám sát về tình hình oan, sai trong áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.

Những nội dung này đặc biệt quan trọng, bởi là sự chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII sẽ được tổ chức vào tháng 5 tới đây.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN



Công cụ pháp lý sắc bén

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Việc sửa đổi Bộ luật Hình sự lần này nhằm xây dựng Bộ luật Hình sự có tính minh bạch, khả thi và tính dự báo cao hơn để phát huy hơn nữa vai trò của Bộ luật Hình sự với tư cách là công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trong điều kiện mới; góp phần bảo vệ an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân, bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa phát triển đúng hướng; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Báo cáo thẩm tra của UB Tư pháp khẳng định: Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cơ bản đã quán triệt và cụ thể hóa theo quan điểm chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung cũng như xây dựng dự án Bộ luật Hình sự nói riêng, nhất là yêu cầu về tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế cũng như bảo đảm thực hiện những cam kết của Việt Nam trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc sửa đổi Bộ luật Hình sự phải thể hiện được đầy đủ tinh thần của Hiến pháp năm 2013, nhất là liên quan đến con người. Những quy định sửa đổi của Bộ luật Hình sự phải minh bạch, rõ ràng và đáp ứng yêu cầu.

Bảo đảm quyền công dân

Dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) - một nội dung được UBTV QH thảo luận sôi nổi trong phiên họp này rất thu hút sự quan tâm của dư luận.

Theo Tờ trình dự án Bộ luật, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã bộc lộ nhiều hạn chế. Đó là quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tiến hành tố tụng còn thiếu và có những nội dung chưa phù hợp với thực tế. Thẩm quyền của những người trực tiếp giải quyết vụ án cũng còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ giải quyết vụ án. Đáng chú ý, bộ luật hiện hành còn thiếu một số quyền quan trọng bảo đảm cho người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bào chữa thực hiện tốt việc bào chữa, gỡ tội. Các quy định về căn cứ tạm giam còn định tính và chủ yếu dựa vào sự phân loại tội phạm, dẫn đến việc lạm dụng tạm giam trong thực tế. Quy định về một số biện pháp cưỡng chế tố tụng chưa đầy đủ, thiếu cơ chế ràng buộc trách nhiệm trong trường hợp người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật... Nhiều quy định của Bộ luật hiện hành còn chung chung, thiếu các quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm thực hiện tốt các cam kết quốc tế.

Theo Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật, các thành viên Ủy ban Tư pháp tán thành sự cần thiết sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan trong tố tụng hình sự; tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân đã được quy định trong Hiến pháp; xác định rõ trách nhiệm của từng chức danh tố tụng; cụ thể hóa các trình tự, thủ tục nhằm tạo điều kiện để người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm luật định; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các luật mới ban hành và nội luật hóa các điều ước quốc tế liên quan đến tố tụng hình sự mà Việt Nam là thành viên nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Theo các Ủy viên UBTVQH, việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngăn ngừa có hiệu quả và xử lý kịp thời, nghiêm minh các loại tội phạm, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm. Đặc biệt là, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013; bảo đảm quyền con người, quyền công dân và tăng trách nhiệm của cơ quan, người tiến hành tố tụng; bảo đảm các thủ tục tố tụng phải công khai, minh bạch, dân chủ, đơn giản, dễ tiếp cận, hạn chế tối đa các quy định chung chung phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành.

PV (tổng hợp)

Luật hình sự sửa đổi phải dựa vào Hiến pháp mới
Luật hình sự sửa đổi phải dựa vào Hiến pháp mới

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành bộ luật hình sự 1999 được tổ chức ngày 15/3, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh bộ luật hình sự sửa đổi phải được xây dựng, hoàn thiện trên tinh thần của Hiến pháp mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN