Doanh nghiệp mở tờ khai hàng hóa XNK tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN |
Thông tin trên được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thông tin tại buổi làm việc với 11 bộ, ngành, kiểm tra các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến việc rà soát, cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo quy định của Nghị quyết 19, sáng 21/8. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến thủ tục kiểm tra chuyên ngành của các bộ.
58% hàng hóa làm thủ tục kiểm tra từ 2 - 3 lầnTheo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, hiện nay hàng hóa xuất nhập khẩu có kiểm tra chuyên ngành kiểm dịch thực vật chiếm 0,1%, kiểm dịch động vật chiếm 14,3%, kiểm tra hiệu suất năng lượng chiếm 25,3%, kiểm tra an toàn thực phẩm 19,1%, giấy phép xuất nhập khẩu và các yêu cầu tương đương 41,2%. Như vậy, tỉ lệ các lô hàng nhập khẩu kiểm tra chuyên ngành đang giữ ở mức 30 – 35%, theo yêu cầu của Nghị quyết 19, cần rút xuống còn 15%.
Thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Tỷ lệ hàng hóa làm thủ tục kiểm tra từ 2 - 3 lần chiếm 58%. “Việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành ở các bộ, các cửa khẩu là vấn đề Thủ tướng rất quan tâm, đặt vấn đề là phải cắt giảm chi phí chính thức và không chính thức liên quan đến doanh nghiệp”, Bộ trưởng nêu rõ.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng chỉ ra tình trạng vẫn còn độc quyền trong đánh giá sự phù hợp. Có những hàng hóa nhập khẩu thuộc các hãng sản xuất nhóm đầu của thế giới nhưng chúng ta vẫn còn kiểm tra thử nghiệm, thủ công là chính để đánh giá chất lượng, ngay cả các hàng hóa là thiết bị, linh kiện, hàng hóa thuộc diện kiểm tra độc quyền của đơn vị kiểm định, chứng nhận.
“Có những bộ chỉ giao cho một cơ quan kiểm định, giám định, như vậy cả nước tập trung vào một cơ quan kiểm định, giám định. Từ đó cho thấy chi phí kiểm định rất lớn, hàng hóa phải vận chuyển từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc để kiểm định, giám định. Hàng hóa nhập khẩu thuộc kiểm tra, giám định độc quyền của các đơn vị tạo độc quyền không cần thiết”, Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng cho biết, trong kiểm tra chuyên ngành, việc kết nối thông tin còn hạn chế, đầu tư cơ sở vật chất nâng cao hiệu quả kiểm tra chuyên ngành còn mức độ, chưa áp dụng quản lý rủi ro nên kiểm tra nhiều nhưng phát hiện rất thấp, chỉ 0,1%. Hiện còn 5.917 điều kiện kinh doanh của các bộ tại các cửa khẩu, Thủ tướng yêu cầu rà soát, cắt giảm.
“Có những việc phải công nhận lẫn nhau. Có những việc yêu cầu chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Có những việc phải công nhận kiểm tra từ cơ sở sản xuất. Có những việc thấy thiết bị, máy móc của các tập đoàn lớn, có thương hiệu nhất nhì của thế giới thì chúng ta phải xem xét năng lực của ta có đủ nguồn lực, năng lực, thiết bị để giám định không”, Bộ trưởng nói.
Ví dụ được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đưa ra là mặt hàng thức ăn chăn nuôi cho gia súc, cho thủy sản có nguồn gốc từ động vật như bột cá, bột xương, vừa phải kiểm dịch động vật, vừa phải kiểm dịch thủy sản, vừa phải kiểm tra theo quy định của rất nhiều bộ, ngành khác nhau, tạo sự chồng chéo. Có những mặt hàng 3 bộ kiểm tra, có mặt hàng kiểm tra 3 lần, có đến 54% tổng số mặt hàng phải kiểm tra 2 lần, đây là tỷ lệ rất lớn, có thể cải cách thủ tục hành chính từ bước kiểm tra chuyên ngành của các bộ.
Về thời gian thông quan hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, theo báo cáo của ngành Hải quan, chiếm khoảng 50% thời gian hàng hóa thông quan tại các cửa khẩu. “Hải quan kiểm tra rồi nhưng không thông quan được do 1-2 tháng, thậm chí 3 tháng sau bộ chuyên ngành mới đến kiểm tra và khi tiến hành kiểm tra thì hôm nay yêu cầu một thủ tục, mai lại bổ sung một thủ tục cho nên có những lô hàng nằm tại cửa khẩu 3-4 tháng là bình thường. Trong khi đó chúng ta quy định có mặt hàng là 15 ngày, có mặt hàng là 30 ngày nhưng gần đến ngày mới gọi đến làm bổ sung thủ tục cho nên không bao giờ quá hạn”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin.
Bộ trưởng cho biết còn có tình trạng vẫn cài cắm giấy phép như một điều kiện kinh doanh, không đúng thông lệ, không đúng quy định; có bộ ra văn bản không phải thông tư nhưng đặt ra các yêu cầu, điều kiện, tạo ra rào cản khác biệt.
“Có những thủ tục có thể liên quan động chạm đến thủ tục gì đó của các bộ, đề nghị hết sức thông cảm. Đây là việc chung của đất nước, đề nghị chúng ta phải có thái độ khách quan để thấy rằng việc này phải kiểm soát”, Bộ trưởng chia sẻ.
Thủ tục “5 không”
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, Nghị quyết số 19 đặt mục tiêu giảm tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành từ 30-35% tổng số lô hàng nhập khẩu xuống còn 15-20%.
Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện, vẫn chưa đạt mục tiêu này. Nghị quyết số 19 đề cập đến việc cải cách toàn diện các quy định quản lý chuyên ngành về xuất nhập khẩu (không chỉ thay đổi về quy định mà còn thay đổi cách thức, công cụ, năng lực quản lý, từ cấp phép sang hậu kiểm), phân tích mức độ rủi ro của hàng hoá và tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung đặt vấn đề về việc thay đổi phương thức quản lý kiểm tra chuyên ngành, áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên và minh bạch hóa quản lý kiểm tra chuyên ngành bằng hiện đại hóa, áp dụng thông lệ quốc tế. Nói về đề nghị bãi bỏ thủ tục chứng nhận phù hợp quy định về an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng ngộ độc thực phẩm lâu nay chủ yếu là từ bếp ăn tập thể, rượu, thức ăn đường phố, đám giỗ, đám hỏi.
Còn thực phẩm bao bì đóng gói và thực phẩm đóng bao bì nhập từ nước ngoài đã có tiêu chí, tiêu chuẩn công bố độ an toàn. Sử dụng rau 2, 3 luống, bơm tạp chất trong tôm làm cơ sở để viện giải cho việc sử dụng thủ tục này là cần thiết thì cơ sở khoa học và thực tiễn để bảo vệ cho việc này không gắn với nhau. “Thủ tục này 5 năm rồi, doanh nghiệp phàn nàn về thủ tục này rất nhiều. Tôi cho là phàn nàn của họ là đúng, hoàn toàn chính xác”, ông Cung khẳng định.
Ông cũng cho hay, không chỉ có Hiệp hội Thủy sản (VASEP) mà cả hiệp hội sữa, ca phê, chè, các hiệp hội liên quan đến thực phẩm đã phản ánh nhiều năm liền, đến mức “không thèm phản ánh nữa”.
“Phản ứng của doanh nghiệp là thủ tục 5 không: không hợp pháp hợp lý, không minh bạch, không tiên lượng trước được, không hiệu lực và không phù hợp với thông lệ quốc tế. Không minh bạch thể hiện ở chỗ thủ tục quy định bao nhiêu hồ sơ, khi nộp nhân viên thụ lý yêu cầu nhiều hồ sơ khác ngoài quy định. Ví dụ như yêu cầu hợp đồng dán nhãn tiếng Việt, những yêu cầu đó không liên quan gì đến vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Cung nói.
Ông cũng ví dụ về việc yêu cầu bổ sung rất nhiều lần, kéo dài về thời gian, tùy ý tùy tiện, không có quy định cụ thể, hồ sơ thiếu 1 chữ cũng bị xem là không hợp lệ. “Phần đúng luôn luôn về phía cơ quan nhà nước. Ông đề nghị chỉ được yêu cầu bổ sung sửa đổi một lần. Tôi nghĩ thực tế có nhiều phản ảnh dày gấp 3 lần báo cáo, nhiều năm liền thì không thể nói thủ tục đó là hợp lý”, ông Cung thẳng thắn.
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho rằng phải tách bạch hai vấn đề xác nhận công bố (hay tiếp nhận bản công bố hợp quy) với kiểm tra chuyên ngành. Kiểm tra chuyên ngành là sau khi đã có các giấy chứng nhận, hay là giấy phép. “Nếu các đồng chí nói không có giấy này thì căn cứ vào đâu để thực hiện việc kiểm tra chuyên ngành?”, ông Phong đặt câu hỏi.
Giải trình của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho thấy còn vướng trong việc thống nhất danh mục để áp hệ thống HS đối với thức ăn chăn nuôi. Hiện số lượng mặt hàng thức ăn chăn nuôi quá lớn, lên đến 4.000 mặt hàng. “Các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết 19, chúng tôi có một ban chỉ đạo, cũng làm nhiều lắm, nhưng không hết được, một lúc không thể làm mọi thứ, tinh thần rất trách nhiệm, chứ không phải nói cho xong việc, chúng tôi cũng đã cắt giảm nhiều thời gian và phí, lệ phí” Thứ trưởng Hà Công Tuấn bày tỏ.
Ông cho biết, Bộ sẽ thành lập tổ công tác rà soát từng thủ tục và quy định thực hiện kiểm soát chuyên ngành tại cửa khẩu với hàng hóa xuất nhập, quy định về chỉ định các đơn vị kiểm nghiệm, khảo nghiệm theo tinh thần tạo thuận lợi. Song, với hàng nghìn thủ tục như thế, Bộ cũng cần có thời gian.
“Chúng tôi cũng hiểu rằng có một số phản ánh của doanh nghiệp trong thời gian qua ví dụ hàng hóa lâu ở cửa khẩu, cũng phải đánh giá rất bình tĩnh. Như mặt hàng gỗ nhập khẩu còn liên quan đến Công ước Cites, có những việc phải làm việc với Ban thư ký Công ước Cites, làm việc với đối tác, chúng ta phải lựa chọn giải pháp hài hòa nhất, Thủ tướng ra quy định về mặt thời gian như vậy vất vả”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.
“Cho nhập vào quá dễ thì đất nước chúng ta trở thành thị trường nông sản của thế giới, cho nên một mặt chúng tôi nghiêm túc về kiểm soát thủ tục hành chính nhưng cũng phải tính đến bảo hộ hợp pháp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, khi thông tin về việc đàm phán để đưa được mặt hàng mật ong vào thị trường EU, thịt gà vào thị trường Nhật Bản phải mất 7 năm và theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới, 116 sản phẩm đã qua chế biến cũng phải kiểm tra, ngay mặt hàng sữa cũng phải qua 3 bước rất lớn trong kiểm soát, từ khâu văn bản quy phạm pháp luật quy định trong kiểm soát an toàn thực phẩm, đến kiểm tra quy trình và giám sát từng lô hàng.
Đồng tình với quan điểm đảm bảo lợi ích quốc gia, luật pháp quốc tế, song Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truy “chocolate cõng 13 giấy phép. Sữa chua vừa phải kiểm dịch của Bộ Công Thương, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm của Bộ Y tế. Kén tằm vừa kiểm dịch động vật vừa kiểm tra thực vật. Hôm bộ này kiểm tra thì bộ kia không đến. Một mặt hàng đan chéo rất nhiều thủ tục, bộ nọ chờ bộ kia, hàng hóa nằm trên cảng không thông quan được. Mặc dù rất cố gắng nhưng thực tế như thế, cách làm thế nào?” Ông cũng ví dụ về việc mặt hàng hạt hướng dương rang, hai bộ cùng kiểm tra nhưng không bao giờ 2 bộ đi cùng.