Chống ngập ở các đô thị lớn: Nỗi ám ảnh

Do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết, kết hợp cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hoá "quá nóng" cũng như công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị, xây dựng của các địa phương còn lỏng lẻo đã làm cho vấn đề ngập lụt đô thị tại các địa phương như Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... ngày càng nghiêm trọng. Thực tế này đặt ra bài toán chung cho các địa phương để cùng giải quyết.

Khu vực các tỉnh thành Đông Nam bộ có hai con sông lớn đi qua là Sài Gòn và Đồng Nai. Hai con sông này có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nó đi qua và có ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề giải quyết ngập trong quá trình phát triển đô thị cũng như trong bối cảnh tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu hiện nay.


Theo khảo sát của UBND thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), toàn thành phố hiện có 28 điểm ngập; trong đó có 9 điểm ngập nằm trên các tuyến đường do Trung ương quản lý, số điểm ngập còn lại do thành phố Biên Hòa và tỉnh Đồng Nai quản lý. Các điểm ngập nước do các đơn vị của Trung ương quản lý chủ yếu nằm trên các tuyến Quốc lộ 1A, 1K, 51, 20, đường Võ Nguyên Giáp…
Mặc dù thời gian gần đây thành phố Biên Hòa đã xử lý một số điểm nhằm hạn chế ngập lụt, tuy nhiên nhiều khu vực vẫn còn xảy ra ngập nặng sau các trận mưa. Cụ thể như khu vực cầu Săn Máu (đường Nguyễn Ái Quốc, đoạn qua phường Hố Nai và Trảng Dài), khu vực trước Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, ngã tư Lạc Cường, ngã 5 Biên Hùng và tại nhiều ấp thuộc xã Phước Tân.


Theo lãnh đạo thành phố Biên Hòa, nhiều năm trở lại đây, vào các đợt mưa lớn, hàng chục tuyến đường trên địa bàn thường xuyên bị ngập nặng. Lượng nước đổ dồn về các điểm trũng tạo thành những dòng chảy xiết gây nguy hiểm cho người đi đường. Đã có nhiều trường hợp người dân tử vong do bị nước cuốn trôi xuống suối, cống khi đang tham gia giao thông những lúc trời mưa. Vào ngày 26/9, một thanh niên khi đang lưu thông qua khu vực cầu Săn Máu (TP. Biên Hòa) trong lúc trời mưa, nước chảy xiết đã cuốn theo cả người và xe gắn máy xuống suối. 

Triều cường gây ngập nặng trên đường Huỳnh Tân Phát. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN.

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, chuyện ngập đô thị cũng đã trở thành vấn về nan giải từ nhiều năm qua, luôn là "điểm nóng" mỗi khi mưa lớn và triều cường xuất hiện. Theo thống kê của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP. Hồ Chí Minh, cơn mưa ngày 26/9 vừa qua đã khiến 59 tuyến đường trên địa bàn bị ngập với độ ngập từ 0,1m - 0,5m, diện tích ngập từ 100m2 đến 30.000m2. Những điểm ngập quen thuộc như Nguyễn Hữu Cảnh, Ung Văn Khiêm, Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh), Quang Trung, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp), Gò Dầu, Tân Quý (quận Tân Phú)…Nhều tuyến đường, khu vực trung tâm trước đây ít ngập như Lê Lợi, Hàm Nghi, Cống Quỳnh, Nguyễn Cư Trinh, Trần Hưng Đạo (quận 1), Nguyễn Thiện Thuật, Kỳ Đồng (quận 3), Tôn Đản (quận 4), Tô Hiến Thành (quận 10)… nay cũng ngập.


Chưa hết, mưa còn gây ngập tại nhiều vị trí tưởng chừng “bất khả xâm phạm" như hầm vượt sông Sài Gòn - hầm vượt sông hiện đại nhất Đông Nam Á đã bị nước tràn từ 2 đầu hầm phía quận 1 và quận 2 (độ ngập 10cm, ngập dài hơn 50m) buộc phải cấm xe gắn máy lưu thông gần 1 giờ đồng hồ để bơm, xử lý nước. Tương tự, tại sân bay Tân Sơn Nhất, những cơn mưa xảy ra vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua cũng gây ngập cục bộ tại các bãi đậu trong sân bay với độ sâu 30 cm, khiến hàng chục chuyến bay bị hoãn hoặc phải hạ cánh xuống các sân bay lân cận.


Cũng rơi vào cảnh tương tự, trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong tháng 10 vừa qua, các cơn mưa kéo dài xuất hiện trên diện rộng kết hợp với triều cường kỳ lên cao đã gây ra hiện tượng ngập lụt ở vùng trũng, vùng thấp, vùng ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và các sông, rạch trên địa bàn tỉnh này. Cơn mưa vào ngày 16-17/10 vừa qua, trên địa bàn tỉnh nhiều nơi mưa rất to, tập trung trong thời gian ngắn, nhiều nơi lượng mưa 1 giờ đạt trên 100mm, điển hình tại Chi cục Thủy lợi lượng mưa 24 giờ (ngày 17/10) đạt 318,9 mm.


Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, mưa lớn vào đúng thời điểm triều cường đạt đỉnh dẫn đến mực nước đỉnh triều đạt 1,59m, đây là mực nước đỉnh triều cao nhất trong 65 năm qua. Đợt mưa lớn và triều cường giữa tháng 10 vừa qua đã gây ngập lụt trên diện rộng một số khu vực trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên.


Cụ thể, khu vực Suối Cát (TP. Thủ Dầu Một), mưa lớn làm vỡ, tràn bờ suối, gây ngập nặng từ 0,4m -1,2m khu vực từ cống qua đường Nguyễn Thị Minh Khai đến Cầu Trắng đường Cách mạng Tháng Tám, gây ách tắc giao thông nhiều giờ liền trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quốc lộ 13 (đoạn siêu thị Metro đến ngã 3 vào An Sơn), ngập nhà các hộ dân tổ 5,7,8 thuộc phường Phú Thọ, TP. Thủ Dầu Một và khu phố Thạnh Lộc, Phường An Thạnh, Thị xã Thuận An.


Tại thị xã Dĩ An, mưa lớn trên diện rộng làm ngập nặng các tuyến đường thuộc trung tâm thị xã, phường Dĩ An, Bình An, Bình Thắng, Tân Bình, Đông Hòa, gây thiệt hại hư hỏng một số vật dụng gia đình. Đáng chú ý mưa lớn đã khiến cháu Hoàng Xuân Hiếu (8 tuổi) bị nước cuốn vào cống thoát nước đường số 4, khu hành chính thị xã Dĩ An.


Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, mưa lớn, triều cường cũng đã làm vỡ, tràn bờ bao gây ngập 1.052 ha, độ sâu ngập 0,1m - 1,6m, ảnh hưởng 3.356 hộ dân các xã phường ven sông Sài Gòn của TP. Thủ Dầu Một, các thị xã Thuận An, Tân Uyên, Bến Cát, Dĩ An.

Anh Tuấn - Sỹ Tuyên - Hải Âu - Xuân Tình (TTXVN)
TPHCM thí điểm dùng máy bơm công suất lớn chống ngập
TPHCM thí điểm dùng máy bơm công suất lớn chống ngập

Sau 7 năm nghiên cứu, công ty cổ phần tập đoàn công nghiệp Quang Trung đã đưa ra giải pháp đặt máy bơm công suất lớn trong lòng cống thoát nước của thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN