Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế dự và chỉ đạo.
Kiến tạo trật tự mới về thương mại
Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đã có bước tiến trong chuẩn bị thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong khi đó, trên thế giới và khu vực, tình hình kinh tế có nhiều chuyển biến phức tạp đang tạo ra sự bất định chính sách ngày càng tăng, có nguy cơ tác động sâu sắc đến nền kinh tế và thương mại toàn cầu. Những sự kiện này đòi hỏi Việt Nam cần sớm có những phân tích, dự báo và hoạch định chính sách phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực, chủ động đưa ra các giải pháp cho giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
Diễn đàn tập trung thảo luận ba nhóm nội dung: Việt Nam trước những sự kiện nổi bật và xu thế mới trong kinh tế, thương mại quốc tế, đề xuất quan điểm chính sách phù hợp để ứng phó với diễn biến mới của tình hình hội nhập thế giới và khu vực; vấn đề thực thi các FTA thế hệ mới của Việt Nam, cơ hội, thách thức đối với doanh nghiệp và những vấn đề đặt ra đối với cải cách thể chế, tiếp cận thị trường, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực, hiệu quả hơn.
Về khuynh hướng thương mại toàn cầu, Tiến sĩ Deepak Mishra, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới nhận định, những thành qủa của hội nhập thương mại có thể đã không được chia sẻ một các đồng đều trên toàn cầu, một số chi phí tái phân bổ lại nguồn lực trong hội nhập thương mại dẫn đến thất nghiệp và bất bình đẳng thu nhập gia tăng ở một số ngành bị điều chỉnh có thể đã không được quan tâm đầy đủ ở một số quốc gia. Đây là một yếu tố góp phần vào việc hình thành ý kiến tiêu cực đối với lợi ích thương mại, gia tăng chủ nghĩa bảo hộ, dẫn đến sự bất ổn chính sách. Trong tình hình đó Việt Nam nên kiên định hội nhập vào hệ thống thương mại toàn cầu.
Đến từ Đại học Lý Quang Diệu (Singapore), Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Minh Khương, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đưa ra góc nhìn sâu sắc về xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại trên thế giới và đề xuất giải pháp ứng phó của Việt Nam. Chỉ ra rằng, Việt Nam là một quốc gia hàng đầu trong nắm bắt toàn cầu hóa, tỷ trọng của Việt Nam trong tổng xuất khẩu và tổng nhập khẩu của ASEAN tăng hơn 10 điểm phần trăm trong vòng 12 năm qua (2005-2017), động lực của tăng trưởng xuất khẩu dựa vào một số nền kinh tế lớn và những sản phẩm chiến lược, song, Tiến sỹ Vũ Minh Khương cũng cảnh báo “nếu đi sâu, Việt Nam có thể đi rất xa, nhưng nếu tổn thương sẽ rất nặng nề”. Mô hình tăng trưởng của Việt Nam lệ thuộc sâu vào thương mại quốc tế và dễ bị tổn thương trước biến động xấu toàn cầu, cho nên, trong cuộc chơi, Việt Nam phải là một trong những thành tố rất tích cực, kiến tạo trật tự mới về thương mại, phải chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, phải có nỗ lực để gây ra sự ngạc nhiên, kinh ngạc.
Phân tích doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt cơ hội ngắn hạn rất nhanh nhưng thiếu tầm nhìn dài hạn, mải mê với cơ hội ngắn hạn và tư duy bảo hộ có thể làm tổn hại đến tầm nhìn lâu dài, cách ứng đáp chiến lược với các thách thức, cơ hội mà tình thế đổi thay mang lại, Tiến sỹ này đề xuất hàm ý chiến lược theo hướng hoạch định một chiến lược hiệu lực, biến điểm dễ tổn thương của đất nước thành lợi thế chiến lược. Cùng với đó, thành lập hội đồng cải cách kinh tế, đi đầu trong nắm bắt và thúc đẩy thương mại tự do, công bằng, tránh sa vào cạm bẫy bảo hộ thương mại (đặc biệt là trong nỗ lực bảo vệ các ngành công nghiệp non trẻ, đáp ứng đáp với các thách thức của cách mạng số).
Chủ động thích ứng với những tác động đa chiều của cạnh tranh thương mại
Gom lại những vấn đề cốt lõi thu hoạch được từ Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Việt Nam có những bước đi về hội nhập rất thành công, đóng góp lớn cho thành tựu kinh tế - xã hội trong 30 năm đổi mới và những năm gần đây; ngày càng gắn gắn kết sâu, rộng với thế giới, độ mở kinh tế cao và là một mắc xích liên kết khu vực, liên khu vực. Việt Nam là thành viên của nhiều diễn đàn khu vực và toàn cầu lớn, vì vậy, bất cứ biến động nào của kinh tế, địa chính trị của khu vực, thế giới đều có tác động lớn, ngay lập tức đến tình hình kinh tế của Việt Nam.
Phó Thủ tướng nhắc đến lời của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Minh Khương là Việt Nam rất dễ bị tổn thương, đây chính là rủi ro những cũng là một lợi thế. Các rủi ro toàn cầu là rất lớn và ngày càng tăng lên. Đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên cách mạng 4.0 mang tính đột phá và phá hủy. Các mô hình kinh doanh cũ, thanh toán cũ không còn phù hợp, thương mại điện tử xuyên biên giới, kinh tế số phổ biến hơn, đi kèm với đó là những rủi ro phi truyền thống liên quan đến chủ quyền số, tấn công an ninh mạng.
Nhìn nhận hội nhập quốc tế, cơ hội là không nhỏ nhưng thách thức, khó khăn đang và sẽ tiếp tục gia tăng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, quan trọng là nội lực, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, phải hội nhập tích cực từ bên ngoài và cải cách thể chế mạnh mẽ từ bên trong để tiếp tục hội nhập thành công, chủ động đổi mới thiết thực và hiệu quả hơn, có khát vọng, nỗ lực lớn. Dẫn lời Tiến sỹ Vũ Minh Khương cho rằng phải có nỗ lực rất lớn để “thế giới phải kinh ngạc”, Phó Thủ tướng ví von “như đội tuyển bóng đá quốc gia trong trận bán kết lượt đi ở Philippines… sẵn sàng tranh chấp thể lực tay đôi với các cầu thủ to lớn đã được thi đấu ở châu Âu, sẵn sàng ăn miếng, trả miếng, gây bất ngờ cho đối phương, báo chí Philippines và thế giới phải kinh ngạc”.
Về giải pháp, Phó Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục xử lý tốt quan hệ giữa tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ với khát khao, khát vọng nâng cao sức mạnh tổng thể quốc gia, lấy hội nhập kinh tế quốc tế làm trọng tâm. Bên cạnh đó, phải xây dựng một nền kinh tế tự chủ, vượt qua thách thức, biến thách thức thành cơ hội. Thực hiện hiệu quả các FTA thế hệ mới để tăng cường nội lực, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế, nuôi dưỡng và phát triển được nhiều “gen” Việt Nam. Đồng thời, phải giải quyết đồng bộ các vấn đề hoàn thiện các thể chế kinh tế trong nước cho tương lai với tầm nhìn dài hạn, định vị chúng ta đang ở đâu và hướng tới như thế nào.
Tiếp tục đặt nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu, gia tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế, nhất là hệ thống tài chính và ngân hàng, thực hiện 3 đột phá chiến lược: đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao nội lực nhằm tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội lớn để đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, định vị đất nước ở vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu và thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước. Vấn đề đặt ra cho chiến lược phát triển của Việt Nam hiện nay và những năm tới là tìm kiếm động lực mới cho phát triển gắn với cách mạng 4.0 và lợi thế của đất nước như công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, đô thị thông minh, các ngành dịch vụ phát triển từ cách mạng 4.0 như thương mại điện tử, logistics, chuỗi cung ứng, vận tải thông minh, công nghệ tài chính…
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa để góp phần xây dựng một trật tự quốc tế khu vực hòa bình, ổn định dựa trên pháp luật quốc tế, xây dựng vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, nhất là trong bối cảnh năm 2020 Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch ASEAN và đang ứng cử làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam cũng cần chủ động thích ứng với những tác động đa chiều của cạnh tranh thương mại, chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ, chú trọng mở rộng các hoạt động xuất khẩu, thu hút chọn lọc đầu tư nước ngoài chất lượng cao.
Hội nhập kinh tế quốc tế là sự nghiệp của toàn dân, trong đó, doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng đi đầu, cần nỗ lực hoàn thiện, thực hiện quyết liệt hiệu quả thực chất các cơ chế, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tranh thủ tốt cơ hội, lợi ích của hội nhập quốc tế. Chính phủ chủ động thì doanh nghiệp cũng phải chủ động trong việc này, Phó Thủ tướng nêu rõ.