Sớm soạn thảo chỉ thị mới của Thủ tướng Chính phủ
Nhắc lại ý kiến của Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đề nghị áp dụng kinh nghiệm của Vũ Hán (Trung Quốc) trong phòng, chống COVID-19 tại Đà Nẵng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp hợp lý nhằm đảm bảo được mục tiêu kép là phòng, chống dịch bệnh, đồng thời thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong thời điểm này.
Hiện nay, một số địa phương đã có bước phản ứng nhanh như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Hai địa phương này đã tạm thời dừng các hoạt động tụ tập đông người, duy trì không quá 30 người trong một sự kiện, tạm dừng những hoạt động chưa phải thiết yếu. Đây là những giải pháp tích cực của các địa phương có kinh nghiệm chống dịch COVID-19 thành công.
Đối với việc ban hành chỉ thị mới của Thủ tướng, trên cơ sở các kết luận của Thủ tướng tại các phiên họp, Văn phòng Chính phủ cùng các cơ quan chức năng và Bộ Y tế sẽ sớm soạn thảo chỉ thị mới của Thủ tướng, trên cơ sở các hoạt động kinh tế xã hội và cuộc sống của người dân tiếp tục diễn ra trong trạng thái bình thường mới, để từ đó có 1 chỉ thị hợp lý, đảm bảo được hai mục tiêu nhưng vẫn đưa ra giải pháp mạnh nhất, tốt nhất nhằm kịp thời, chủ động ứng phó, dập tắt các ổ dịch.
Riêng đối với thành phố Đà Nẵng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, một số điều kiện khác hỗ trợ đặc biệt cho Đà Nẵng đã được Thủ tướng quyết định. Đó là việc bổ sung lực lượng y tế, tăng cường máy xét nghiệm cho Đà Nẵng nhằm tăng cường khả năng xét nghiệm và truy vết.
Ưu tiên tối đa cho Đà Nẵng
Cho biết thêm về tình hình dịch COVID-19 tại Đà Nẵng và tại một số địa phương, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường chia sẻ, Bộ Y tế đã cử đoàn công tác có nhiều kinh nghiệm nhất do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm trưởng đoàn; đi kèm là đội điều trị có rất nhiều kinh nghiệm như đội dập dịch tại Hạ Lôi (Vĩnh Phúc) trước đó… Tất cả nhân lực có kinh nghiệm nhất ở đợt 1 đều được ngành Y tế đưa ra đợt này.
“Chúng tôi đã tiến hành cách ly, tiêu độc khử trùng, dập dịch ở ba cụm bệnh viện: Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình phục hồi chức năng và một số điểm ghi nhận ca mắc cộng đồng tại các địa phương. Đồng thời, tiến hành phong tỏa tất cả các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, các địa phương phát hiện trường hợp lây nhiễm”, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết.
Lực lượng y tế đã triển khai truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp nghi mắc, tiến hành cách ly tập trung để lấy mẫu, giám sát tình hình sức khỏe đối với các trường hợp nghi ngờ; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông nhắn tin cho tất cả các trường hợp có tiếp xúc, đã từng đến Đà Nẵng. Bên cạnh đó, ngành đã huy động hơn 1.000 sinh viên trường y, các trường quân đội để hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch ở Đà Nẵng.
Đánh giá về khả năng gỡ phong tỏa tại các điểm bùng phát dịch COVID-19, Thứ trưởng Trương Quốc Cường nhận định, phải căn cứ vào tình hình thực tế, diễn biến dịch. Hiện nay, dịch đang ở trong tầm kiểm soát rất tốt, công tác truy vết rất quyết liệt, không để dịch lây lan trên diện rộng.
Nhắc lại ý kiến của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, địa phương này đã có phương án cách ly xã hội tại nhà khi các khu cách ly tập trung có nguy cơ quá tải; Thứ trưởng Trương Quốc Cường khẳng định: Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ có đề nghị phương án cách ly tại nhà với lý do hiện nay khu cách ly tập trung tương đối đông, một số khu có hiện tượng quá tải. “Phương án này chúng tôi đã chuẩn bị từ lâu, kể cả cách ly tại khu dân cư, trường học, nhà máy, rồi những khu tập trung khác. Tất cả những phương án đã được Bộ Y tế đưa ra cụ thể và sẵn sàng thực hiện khi có lệnh của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19”, Thứ trưởng Trương Quốc Cường nói.