Phó Chánh Văn phòng chuyên trách, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai Quảng Văn Việt cho biết, để chủ động ứng phó trong mùa cao điểm mưa bão (từ tháng 9 - 12), tỉnh rà soát, điều chỉnh kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2022 phù hợp với diễn biến thời tiết và khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng; nắm chắc số lượng các hộ nằm trong vùng nguy hiểm, chủ động hướng dẫn di dời; sẵn sàng lực lượng, phương tiện... chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Tỉnh đã chỉ đạo cắm gần 300 biển cảnh báo tại các vị trí có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét và trên các ngầm tràn…, hạn chế rủi ro thiệt hại về người, tài sản cho người dân, đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng vận hành các hồ chứa đúng quy trình, nạo vét dòng chảy để thoát lũ...
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ đây đến cuối năm 2022, lượng mưa tại khu vực miền Trung cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 20-35%. Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, để chủ động với tình hình trên cũng như mùa mưa bão cao điểm, tỉnh chú trọng tăng cường diễn tập công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống thiên tai, phát huy vai trò của lực lượng xung kích tại cơ sở, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống thiên tai qua loa truyền thanh, mạng xã hội...
Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau Nguyễn Long Hoai nêu rõ, để ứng phó chủ động, giảm thiểu thiệt hại đối với mùa cao điểm mưa bão, tỉnh sẽ tập trung vào những vấn đề cụ thể như: kế hoạch ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới, mưa dông trên biển, mưa lớn, triều cường, sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, xâm nhập mặn...
Để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản trong mùa cao điểm mưa bão năm 2022, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến cho rằng, người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin, cập nhật tình hình thời tiết, cảnh báo thiên tai của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, nhất là khi khu vực miền Trung, nơi được dự báo là sẽ xảy ra mưa lũ dồn dập các tháng cuối năm. Người dân cần tuân thủ nghiêm hiệu lệnh của chính quyền, thực hiện các biện pháp phòng tránh, ứng phó giảm thiểu thiệt hại thông tin kịp thời chính xác tình trạng nguy hiểm khi cần cứu hộ cứu nạn.
Người dân chủ động quan sát những thay đổi xảy ra xung quanh khu vực sinh sống ví dụ như khi có dấu hiệu nước sông suối chuyển màu đục, cây cối nghiêng ngả, vết nứt trên tường nhà,… nhanh chóng di dời khỏi khu vực nguy hiểm, tìm nơi tránh trú an toàn và thông báo cho chính quyền địa phương và hàng xóm để có thể được hỗ trợ kịp thời… Đồng thời, người dân các địa phương cần tự chủ động trang bị các kiến thức, kỹ năng, tham gia tích cực vào các hoạt động tập huấn, diễn tập về phòng, chống thiên tai.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tiếp tục duy trì nghiêm chế độ ứng trực 24/24, thông tin tuyên truyền thông phạm vi toàn quốc, sẵn sàng điều động lực lượng, phương tiện của các bộ, ngành và địa phương ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Cùng với đó, Văn phòng thường trực chỉ đạo các địa phương rà soát kỹ phương án ứng phó thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ) phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể, tổ chức diễn tập theo phương án, kịch bản được phê duyệt; chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị chuyên dùng phục vụ ứng phó thiên tai, tổ chức thông tin truyền thông, nâng cao năng lực cho cán bộ theo hướng chuyên trách, học tập kinh nghiệm quốc tế trong các hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai...