Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông, trong các ngày từ 28/7 - 6/8, trên địa bàn tỉnh liên tục có mưa to. Tổng lượng mưa đo được tại nhiều địa phương trong thời gian này khoảng 400 mm, cá biệt có một số nơi trên 500 mm. Lượng mưa lớn khiến nước tại các ao hồ, sông suối dâng cao, gây ngập úng cục bộ và sạt lở đất tại nhiều nơi. Điển hình là tại hồ chứa nước Đắk N’ting (huyện Đắk G’long); đường Hồ Chí Minh đoạn qua thành phố Gia Nghĩa; tuyến tránh thành phố Gia Nghĩa và tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức… Toàn tỉnh Đắk Nông đã có 3 người thiệt mạng do nước lũ cuốn; gần 200 căn nhà bị ngập; hơn 600 ha cây trồng và hơn 200 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản bị ngập, thiệt hại do mưa lũ. Đắk Nông đã di dời gần 300 hộ dân từ các khu vực bị sạt lở, nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Ước tính thiệt hại do mưa lũ khoảng 250 tỷ đồng.
Hiện nay, việc vận hành cũng như công tác đảm bảo an toàn hồ đập đối với hơn 300 công trình thủy lợi, trong đó có nhiều hồ bị hư hỏng, xuống cấp đang được quan tâm đặc biệt. Nhất là trong bối cảnh Đắk Nông mới vào cao điểm mưa lũ và các diễn biến thời tiết tuy đã được dự báo trước nhưng khả năng sẽ diễn biến bất thường, khó lường từ nay đến cuối năm.
Liên quan tới sự cố sạt trượt tại hồ chứa nước Đắk N’ting, các chuyên gia trong Đoàn công tác cho rằng, cần tính toán, triển khai ngay các giải pháp để hạ thấp mực nước trong hồ. Đây là việc làm cần thiết để hạn chế nguy cơ vỡ đập cũng như chủ động ứng phó với các đợt mưa, lũ sắp tới. Bên cạnh đó, tỉnh cần triển khai sớm công tác quan trắc, đo đạc lại địa hình, theo dõi chặt chẽ các vết nứt trên thân đập, hai vai đập để có giải pháp xử lý phù hợp.
Với vị trí sạt trượt trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua thành phố Gia Nghĩa, theo các chuyên gia, cần triển khai ngay các giải pháp để xử lý dòng tụ thủy đã hình thành bên trái đường (theo hướng từ thành phố Gia Nghĩa đi tỉnh Đắk Lắk); tính toán giải pháp phù hợp xử lý tình trạng nước đổ về vị trí này trước khi triển khai các giải pháp tiếp theo.
Các thành viên trong Đoàn công tác cũng đề nghị Đắk Nông tập trung triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ đập, trong bối cảnh hiện nay hầu hết các hồ, đập thủy lợi đã tích nước được 70 - 80%; chú trọng công tác phòng, chống thiên tai đối với 9 hồ, đập thủy lợi đang thi công. Đối với hồ chứa nước Đắk N’ting, tỉnh cần ban bố tình trạng khẩn cấp do thiên tai để triển khai các giải pháp ứng phó cho phù hợp hơn với điều kiện thực tế.
Đại diện Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai lưu ý: Đắk Nông phải ưu tiên đảm bảo an toàn cho người dân. Trong bối cảnh tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, khó lường, tỉnh tổ chức cắm thêm các biển báo, cảnh báo nguy hiểm để nhân dân chủ động phòng, tránh, nhất là tại các trường học, nơi tập trung đông dân cư…
Tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, Đắk Nông đã chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý, sau đợt khô hạn nặng nề, gay gắt vào mùa khô, lượng mưa trong tháng 7/2023 của Đắk Nông cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022 và gấp khoảng 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đây là thách thức lớn cho công tác phòng, chống thiên tai và dự kiến từ nay tới cuối năm thời tiết sẽ có nhiều diễn biến bất thường, khó lường.
Liên quan tới sự cố sạt trượt tại hồ chứa nước Đắk N’ting, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Đắk Nông cân nhắc, khẩn trương có giải pháp để đảm bảo an toàn đập cũng như xây dựng kỹ các kịch bản ứng phó trong tình huống vỡ đập; tỉnh triển khai sớm các nội dung này trong vòng 15 ngày vì đây là khoảng thời gian “vàng” trước khi đợt mưa lũ tiếp theo được dự báo. Đối với tình trạng sạt trượt trên đường Hồ Chí Minh, tỉnh cần khảo sát kỹ và đưa ra phương án xử lý phù hợp để đảm bảo việc khắc phục hiệu quả, nhanh, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng tới đời sống nhân dân.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý những thách thức đối với Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung trong bối cảnh diện tích rừng ngày càng thu hẹp và những tác động đến các khu vực chân đồi ngày càng nhiều tại hầu hết các địa phương. Đồng thời, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị, Cục Thủy lợi rà soát lại toàn bộ hệ thống vai đập tại các hồ, đập thủy lợi các tỉnh Tây Nguyên để có các giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan bổ sung, điều chỉnh các quy chuẩn khảo sát, thiết kế hồ, đập thủy lợi tại Tây Nguyên theo hướng mở rộng khảo sát, đánh giá địa chất tại các vai đập.