Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, đây là vụ việc đáng tiếc, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là sự yếu kém của chính quyền huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang trong công tác quản lý nhà nước về giao đất, cưỡng chế thu hồi đất.
Về việc giao đất, UBND Tiên Lãng đã có hai quyết định, một là số 447, năm 1993 giao 21 ha cho ông Đoàn Văn Vươn, thời hạn 14 năm. Tại thời điểm đó, quyết định này là phù hợp. Nhưng Quyết định số 220, năm 1997 bổ sung 19,3 ha đất thì chỉ đúng về thẩm quyền và phù hợp thực tế sử dụng đất, nhưng quyết định này không đúng với quy định về pháp luật đất đai về thời hạn sử dụng đất.
Về hai quyết định tiếp theo thu hồi đất (460, 461) của huyện Tiên Lãng, trên thực tế ông Vươn đang sử dụng diện tích đất đó. Mặc dù việc sử dụng một phần đất cho người khác thuê là không hoàn toàn đúng luật. Song thực tế, diện tích đất nói trên đang được ông Vươn nuôi trồng thuỷ sản, và ông Vươn tiếp tục có nguyện vọng nuôi trồng thuỷ sản. Chưa có văn bản nào chuyển mục đích sử dụng đất từ nuôi trồng thuỷ sản sang mục đích khác, nên hai quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng là không đúng luật.
Theo Luật Đất đai năm 2003, chỉ 5 trường hợp được thu hồi đất nhưng đối chiếu với các quy định nêu trên thì diện tích đất của gia đình ông Vươn đang sử dụng không thuộc diện thu hồi. Như vậy, việc thu hồi đất là trái pháp luật.
Về việc cưỡng chế thu hồi đất, do việc thu hồi đất theo các Quyết định 460 và 461 là không đúng pháp luật, nên hệ quả việc cưỡng chế thu hồi đất là không đúng quy định pháp luật. Đồng thời, trong nội dung quyết định cưỡng chế thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng có sai phạm như: không xác định ranh giới cụ thể diện tích đất thu hồi, không kiểm kê tài sản diện tích đất thu hồi.... Việc tổ chức thực hiện cưỡng chế có nhiều sai sót, nên đã gây hậu quả nghiêm trọng, gây thương vong cho những người cưỡng chế.
Việc huỷ hoại tài sản của ông Đoàn Văn Vươn, phá dỡ ngôi nhà của ông Vươn là có sự chỉ đạo của lãnh đạo, chính quyền địa phương. Đây là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, các cơ quan chức năng sẽ khởi tố, điều tra làm rõ, xét xử nghiêm minh.
Về việc xử lý hậu quả sau cưỡng chế, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, TP Hải Phòng đang tiến hành nhiều biện pháp để khắc phục hậu quả, điển hình là Thành uỷ Hải Phòng đưa ra một số giải pháp cụ thể, đình chỉ chức vụ cán bộ liên quan. Thường vụ Thành uỷ đã nghiêm khắc nhận trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư khi để xảy ra vụ việc. Ngoài ra, theo ông Đam, vì vụ cưỡng chế không đúng nên nhà ông Vươn sẽ được đền bù thiệt hại.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hải phòng phải làm các thủ tục cần thiết theo pháp luật để ông Đoàn Văn Vươn có thể được sử dụng tiếp tục đất đã được giao. TP Hải Phòng có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm việc phá dỡ nhà ông Vươn, phải đình chỉ ngay những cán bộ nào đã chỉ đạo việc phá dỡ, bất kể người đó là ai.
Chỉ đạo cơ quan bảo vệ pháp luật khẩn trương đưa vụ án giết người, chống người thi hành công vụ ra xét xử công khai đảm bảo tính nghiêm minh. Trong đó, xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với các bị cáo do các quyết định không đúng luật của UBND huyện Tiên Lãng.
Ông Đam cũng cho biết, trong vụ việc này, việc chỉ đạo xử lý còn một số điểm tồn tại. TP Hải Phòng có hai lần báo cáo, nhưng các báo cáo chưa nghiêm túc, đầy đủ. Việc cung cấp thông tin cho công luận chưa tốt, chưa có người có đủ thẩm quyền cung cấp thông tin chính thống, đầy đủ, kịp thời cho báo chí. Thậm chí, có cán bộ cấp thành phố, cấp huyện phát ngôn tuỳ tiện.
Do vậy, cấp lãnh đạo thành phố phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm về việc chấp thuận báo cáo xin chủ trương cưỡng chế của UBND huyện Tiên Lãng. Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm khi vụ việc xảy ra đã chậm làm rõ, báo cáo chưa đầy đủ, chưa nghiêm túc với Thủ tướng, cung cấp thông tin thiếu kịp thời, gây bức xúc dư luận. Lãnh đạo Hải Phòng phải chỉ đạo huyện Tiên Lãng, xã Vinh Quang xử lý đúng quy định các tổ chức, cá nhân có liên quan việc ra quyết định thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất, phá nhà ông vươn.
Theo ông Đam, trong vụ việc này còn có nguyên nhân khách quan là có quá nhiều văn bản pháp quy về đất đai còn chồng chéo. Luật Đất đai từ năm 1987 tới nay đã ban hành 3 lần với 2 lần sửa, cùng hàng trăm văn bản dưới luật (trên 400 văn bản). Hệ thống pháp luật về đất đai đến nay khá đồ sộ, tuy nhiên còn nhiều vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý. Ngoài ra, năng lực cán bộ làm công tác quản lý đất đai, nhất là ở cơ sở, còn nhiều bất cập. Do đó, các vụ việc khiếu nại, tố cáo về đất đai còn nhiều, chiếm hơn 70% các vụ khiếu kiện. Hiện còn nhiều vụ việc kéo dài chưa xử lý được.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng cho biết, Thủ tướng biểu dương và cám ơn báo chí đã thông tin rất kịp thời, đầy đủ, đa dạng, phong phú, có nhiều bài đưa tin, phân tích đưa ý kiến của nhiều giới khác nhau, có cái nhìn đa chiều về vụ việc. Từ đó, đã có tác động tích cực cùng các cơ quan chức năng đưa ra biện pháp xử lý phù hợp.
Thủ tướng cũng mong muốn báo chí sẽ tiếp tục đóng góp ngày càng tốt hơn vào sự nghiệp chung của cả nước cũng như vào công việc điều hành của Chính phủ đặc biệt là vai trò định hướng dư luận nhằm thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước, huy động được nguồn lực trong toàn xã hội, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước.
Thủ tướng cũng cám ơn những ý kiến rất xác đáng, tâm huyết của rất nhiều người dân, đặc biệt là của nhiều đồng chí lão thành cách mạng, các nhà chuyên gia đã bày tỏ quan điểm ủng hộ thông qua việc gửi trực tiếp tới Thủ tướng, cũng như được phản ánh thông qua báo chí.
Tuy nhiên liên quan đến vụ việc này cũng còn một số bài báo còn viết, phân tích theo một cáchnhìn chưa thực sự toàn diện, chưa nêu được bản chất của sự việc. Từ vụ việc này, báo chí cũng cần rút kinh nghiệm.
Hữu Vinh- Tiến Hiếu