Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thi đua và thi đua yêu nước

Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi thi đua ái quốc, kêu gọi nhân dân ta hăng hái thi đua để “kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công”. Người đặt tên cho phong trào là Thi đua yêu nước.


Thi đua trong tư tưởng Hồ Chí Minh


Yêu nước là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nhận rõ sức mạnh bắt nguồn từ lòng yêu nước và ý chí mạnh mẽ của nhân dân, Hồ Chí Minh đã khéo léo thổi bùng ngọn lửa cách mạng của toàn dân bằng phong trào Thi đua yêu nước. Người coi thi đua như một cách hiệu quả để phát huy lòng yêu nước, làm cho lòng yêu nước được bộc lộ, được thể hiện bằng những hành động cụ thể trong chiến đấu cũng như trong lao động sản xuất. Người kêu gọi người người thi đua, ngành ngành thi đua, luôn luôn thi đua trong mọi công tác cách mạng. Thi đua đã được Hồ Chí Minh nâng lên một tầm cao tư tưởng mới. Gắn Thi đua với Yêu nước, Yêu nước với Thi đua, Hồ Chí Minh đã khẳng định nét bản sắc của dân tộc Việt Nam trong phong trào thi đua. Ai cũng có thể tìm thấy mình trong phong trào thi đua yêu nước vì người Việt Nam nào cũng mang trong mình tình cảm yêu nước như một mạch chảy tiềm tàng nhưng vô cùng mạnh mẽ. Thi đua chính là những biểu hiện rõ ràng nhất, cụ thể nhất của lòng yêu nước, và là một tiêu chí để đánh giá lòng yêu nước của mỗi cá nhân. Thi đua là yêu nước “Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.


Trong hai ngày 7 và 8 /7/1958, tại Hà Nội diễn ra Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua Công-Nông-Binh toàn quốc lần thứ II. Trong ảnh: Hồ Chủ tịch nói chuyện thân mật và chia kẹo cho Anh hùng lao động Nguyễn Phúc Đồng (Ngành quân giới) và nữ Anh hùng Nguyễn Thị Năm (nhà máy dệt Nam Định) trong buổi gặp mặt các đại biểu dự Đại hội. Ảnh: TTXVN


Thi đua là phương pháp mang tính đòn bẩy; khen thưởng thúc đẩy thi đua phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Thi đua và khen thưởng phải luôn gắn bó với nhau. Đã thi đua phải có khen thưởng. Đây là một việc quan trọng của công tác tổ chức thi đua. Theo Bác Hồ: Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch.


Chỉ hơn bốn tháng sau ngày độc lập, ngày 26/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Quốc lệnh, đây là văn bản pháp lý đầu tiên về chính sách khen thưởng của Nhà nước. Tổ chức bộ máy làm công tác thi đua khen thưởng cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm chỉ đạo từ những năm đầu của Chính quyền cách mạng. Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Viện Huân chương (nay là Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước) với nhiệm vụ giúp Đảng, Nhà nước nghiên cứu chủ trương, chính sách khen thưởng, quản lý công tác khen thưởng của Nhà nước.


Trong các cuộc nói chuyện với nhân dân, cán bộ, chiến sĩ ở các địa phương, đơn vị, Bác Hồ thường đề cập đến công tác thi đua. Người khuyến khích làm sách Người tốt việc tốt để những tấm gương thi đua được phổ biến rộng rãi trong xã hội. Người cũng đặc biệt chú ý tới việc khen thưởng kịp thời. Khi đọc báo, tài liệu có nêu gương người tốt việc tốt, Bác Hồ thường đánh dấu đề nghị xác minh, khen thưởng kịp thời. Người thường gửi huy hiệu của mình tặng những ai làm được việc tốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: Tổ chức thi đua là công tác vận động quần chúng nên những người làm công tác thi đua “phải đi sâu đi sát phong trào, bám sát cơ sở, nằm ở cơ sở để chỉ đạo phong trào, không nên xuống cơ sở theo kiểu chuồn chuồn đạp nước” 1 ; phong trào cần phải liên tục và có nội dung thiết thực, không nên chạy theo hình thức, có phát mà không động, càng không nên đầu voi đuôi chuột... 


Trong cuộc kháng chiến chống Pháp chúng ta đã có những phong trào: Giết giặc lập công, Giúp đỡ bộ đội… Trong xây dựng miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ có nhiều phong trào: Duyên Hải, Đại Phong, Hai tốt, Ba nhất, Ba sẵn sàng, Ba đảm đang, Tiếng hát át tiếng bom... Phong trào thi đua yêu nước phát triển rộng khắp đã đem lại nhiều kết quả to lớn, xuất hiện nhiều tấm gương thi đua yêu nước trong lao động, chiến đấu, học tập, nghiên cứu khoa học... quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược, thực hiện thống nhất đất nước. Trong giai đoạn cách mạng mới, nhiều phong trào được phát động và đã được các tầng lớp xã hội hưởng ứng rộng rãi: Đền ơn đáp nghĩa những người có công; Phụ nữ đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo; Thanh niên tình nguyện; Tuổi trẻ sáng tạo... đã mang lại diện mạo mới cho phong trào Thi đua yêu nước.


Thi đua trong giai đoạn mới


Những năm gần đây, thi đua ít được nhắc đến hơn. Nhiều người không còn coi trọng ý nghĩa, vai trò của thi đua như những giai đoạn trước. Có lúc, có nơi, thi đua - khen thưởng như cái “bóng mờ”, nặng tính hình thức và chỉ hay thấy áp dụng với những cá nhân, những cơ quan “có chân trong Nhà nước”. Ngày nay, khi bàn đến hoạt động kinh tế - xã hội của một cá nhân hay một doanh nghiệp nào đó, người ta nói nhiều hơn đến những hiệu quả đo đếm được, đến lãi suất, đến lợi nhuận… coi đây là những tiêu chí để đánh giá mức độ thành công. Sự đánh giá đó không có gì sai và góp phần tạo nên “thương hiệu” nhưng những đánh giá chính thức, những sự tôn vinh được ghi nhận lại bằng những chứng chỉ cụ thể (cả tinh thần và vật chất) vẫn là điều cần thiết.


Trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, dưới một góc nhìn khác, cạnh tranh cũng có thể xem như một cuộc thi đua của các cá nhân và tập thể nhằm giành lấy những lợi ích chính đáng để vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Cạnh tranh lành mạnh cần được đánh giá đúng những mặt tích cực để khuyến khích, phát huy. Những nỗ lực cá nhân không nằm ngoài xu thế chung tiến lên của đất nước cần được hướng dẫn và tổ chức tốt. Cạnh tranh lành mạnh như một sắc thái mới của thi đua, một bộ mặt khác của thi đua. Trong cạnh tranh lành mạnh, người ta thi đua trong việc giành được nhiều lợi ích hơn nhưng lợi ích của cá nhân (cần và phải) đồng hành với lợi ích của cộng đồng, lợi ích của xã hội. Chúng ta tôn vinh những doanh nghiệp, doanh nhân biết cách vươn lên làm giàu. Đó chính là những người biết (và đã) cạnh tranh thành công trên thương trường - ngày nay được ví như chiến trường.


Dân gian có câu: “Trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”, lại có câu “Của cho không bằng cách cho”. Để khuyến khích, tạo động lực cho thi đua, phần khen, và phần thưởng trong cuộc thi đua cần được chú ý đúng mức và tương xứng. Phần khen - qua việc tôn vinh, bằng các danh hiệu - những doanh nhân, doanh nghiệp, những tấm gương vượt khó, làm giàu có ý nghĩa tạo môi trường dư luận xã hội và động viên tinh thần với từng cá nhân cũng như cả phong trào. Phần thưởng - có thể bằng giá trị vật chất và có thể bằng cả những sự tạo điều kiện hoạt động - phải cụ thể, thiết thực, phải đủ mức để có thể là tác nhân kích thích thi đua. Bên cạnh đó việc trao thưởng cũng phải thể hiện sự tôn vinh của Nhà nước, các cơ quan, tổ chức cũng như cả xã hội với người thi đua có thành tích cao. Bên cạnh sự đánh giá khách quan của cả xã hội, của cộng đồng dựa trên chất lượng của sản phẩm, của công việc, của phẩm chất của con người thì sự giám sát, điều tiết của Nhà nước là rất quan trọng để loại trừ những hiện tượng tiêu cực dễ gặp hiện nay - khi người ta tìm nhiều cách để “chạy”, “mua” những bằng chứng nhận, những danh hiệu; dùng những tờ chứng nhận mua được đó để dễ lập lờ đánh lộn giữa danh hiệu (nhiều khi không xứng đáng) với thương hiệu (giả).


Để thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực, để thi đua không phải là điều cao xa mà hiện hữu cụ thể trong việc thực hiện những công việc hàng ngày của mọi người, những mục tiêu thi đua phải cụ thể, hợp với lòng dân, các hình thức thi đua phải phong phú và dễ cho nhân dân thực hiện. Việc khen thưởng phải kịp thời và chính xác để phần thưởng thực sự có uy tín. Những điều đó cũng đòi hỏi những cơ quan, cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng tiếp tục bám sát và hoàn thành nhiệm vụ theo tinh thần những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.



T.S Ngô Vương Anh

----
1. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, Tập 15, tr 277

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN