Chiều 30/12, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương đã làm việc với lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao về kết quả công tác tòa án năm 2014. Dự buổi làm việc có đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Liên doàn Luật sư Việt Nam và các cơ quan tư pháp Trung ương.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN. |
Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, năm 2014, các tòa án đã giải quyết, xét xử 5.356 vụ án các loại trong tổng số 415.0 vụ án đã thụ lý (đạt tỷ lệ 92,8%). Số vụ án còn lại hầu hết là mới thụ lý và còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Tỷ lệ các bản án, quyết định của tòa án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của tòa án là 1,61% (giảm 0,1%), đáp ứng được yêu cầu theo Nghị quyết 63 của Quốc hội. Các tội phạm về tham nhũng đều được xử lý nghiêm minh, đặc biệt đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước. Tỷ lệ các bị cáo phạm tội tham nhũng được hưởng án treo giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước (chiếm 18,8% trong số các bị cáo đã xét xử).
Tòa án nhân dân tối cao đã tham gia tổ công tác liên ngành Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an xem xét, thụ lý 102 trường hợp có đơn kêu oan được xét xử trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII có mức phạt tù từ 20 năm, chung thân, tử hình, trong đó đã xem xét, giải quyết 55 trường hợp; kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm 3 trường hợp do vi phạm thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Trong số 47 trường hợp còn lại, qua rà soát cho thấy chỉ có 13 trường hợp kêu oan và đang được tiếp tục xem xét, giải quyết, còn lại là đơn đề kêu oan nhưng hầu hết nội dung đề nghị chỉ xin giảm nhẹ hình phạt hoặc xem xét lại phần trách nhiệm dân sự…
Góp ý với công tác của ngành tòa án, các đại biểu đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tăng cường hoạt động giám sát công tác xét xử; đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ của thẩm phán, cán bộ tòa án để hạn chế đến mức thấp nhất các sai sót trong hoạt động xét xử. Các đại biểu cũng đề nghị tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo nâng cao hơn nữa việc tranh tụng tại tòa án các cấp theo tinh thần cải cách tư pháp; chủ động xử lý đơn, thư khiếu nại trong lĩnh vực tư pháp, xét xử của tòa án ngay từ các địa phương, giảm thiểu lượng đơn thư vượt cấp. Nhiều ý kiến tại buổi làm việc tán thành với việc đề nghị Quốc hội tăng cường biên chế, cơ sở vật chất cho tòa án các cấp, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động xét xử và công tác tòa án.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước cho rằng, trong năm 2014, mặc dù số lượng các loại vụ án phải giải quyết là rất lớn, nhưng kết quả hoạt động của ngành tòa án tiếp tục có những chuyển biến tích cực, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu theo các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII; bám sát các Nghị quyết của Đảng đề ra; làm tốt công tác xây dựng pháp luật và triển khai thi hành Hiến pháp 2013.
Đặc biệt, Chủ tịch nước đánh giá cao cố gắng của ngành tòa án trong việc khắc phục một số hạn chế, tồn tại từ những năm trước, nhất là việc xử lý, giải quyết một số vụ án oan sai. Biểu dương tinh thần “thấy sai, dám sửa” Chủ tịch nước nhấn mạnh: Làm Cách mạng thì không thể tránh khỏi sai sót nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận, khắc phục và sửa chữa. Chủ tịch nước đề nghị ngành tòa án khắc phục, sửa chữa tốt hơn nữa một vài vụ án oan sai đã được phát hiện, hướng đến đảm bảo tốt hơn nữa quyền con người, đảm bảo công lý, công bằng xã hội. “Đây cũng là việc làm hợp lòng dân”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Trên tinh thần đó, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương đề nghị ngành tòa án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án; thực hiện tốt một số giải pháp về tăng cường tranh tụng tại phiên tòa; chú trọng công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, tinh thần, trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, bản lĩnh nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ thẩm phán, Hội thẩm nhân dân.
Tòa án nhân dân tối cao cũng cần tiếp tục triển khai tốt việc thi hành Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 vừa qua; trong đó cần tập trung hoàn thành các đề án về tổ chức, bộ máy, nhân sự, cũng như các văn bản hướng dẫn trong toàn hệ thống.
Để đảm bảo cho việc triển khai xây dựng mô hình tòa án 4 cấp theo quy định của Luật tổ chức Tòa án sửa đổi, Chủ tịch nước đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tiến hành xây dựng ngay Đề án về cơ cấu, vị trí, việc làm của từng cấp, từng đơn vị tòa án, xác định số lượng biên chế đối với từng chức danh cụ thể nhằm đảm bảo đủ số lượng thẩm phán, các chức danh tư pháp và công chức khác của Tòa án các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
Quang Vũ (TTXVN)