Đón Chủ tịch nước và Phu nhân cùng đoàn cấp cao Việt Nam tại sân bay quốc tế Geneva có đại diện Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ, Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Thụy Sĩ bên cạnh Liên hợp quốc tại Geneva và chính quyền bang Geneva. Về phía Việt Nam có Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sĩ.
Ngày 11/10/1971, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên bang Thụy Sĩ thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ. Tháng 2/1973, Thụy Sĩ mở Đại sứ quán tại Hà Nội và tháng 3/1994 mở Lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 3/7/1984, Việt Nam mở Lãnh sự quán tại Geneva và nâng cấp lên Tổng lãnh sự quán vào ngày 15/12/1994. Ngày 28/1/2000, Việt Nam chính thức khai trương Đại sứ quán tại thủ đô Bern.
Trong chặng đường 50 năm qua, Việt Nam và Thụy Sĩ đã dày công vun đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước không ngừng phát triển tích cực trên mọi mặt, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao, thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển và giáo dục đào tạo.
Hai quốc gia ở hai châu lục Á - Âu cũng thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Thụy Sĩ kéo dài đến ngày 29/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự kiến sẽ hội đàm với Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Guy Parmelin và hội kiến Chủ tịch Hội đồng quốc gia Andreas Aebi. Tại Geneva, trung tâm của các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, Chủ tịch nước sẽ gặp Tổng Giám đốc văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva, Tổng Giám đốc WHO, Tổng Giám đốc Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Ngoài các hoạt động chính thức do Chính phủ liên bang Thụy Sĩ tổ chức, lãnh đạo các bang Bern và Geneva cũng đang thu xếp dành sự tiếp đón trọng thị nhất đối với Chủ tịch nước và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.