Sự kiện do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) và UBND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “Đất nước niềm tin và khát vọng”. Chuỗi sự kiện Xuân Quê hương 2023 có sự tham dự của hơn 3.000 đại biểu là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, đại biểu kiều bào ở các nước.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự, đánh trống khai hội Xuân Quê hương 2023 tại chương trình và có bài phát biểu chúc Tết cộng đồng và đồng bào ta ở nước ngoài.
Với nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa cội nguồn dân tộc Việt, chương trình được xem như một điểm hẹn nồng ấm tình quê hương dành cho kiều bào, đồng thời tri ân những cống hiến và đóng góp của người Việt ở khắp mọi nơi trong sự phát triển về mọi mặt của đất nước, lan tỏa, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc và truyền thống uống nước nhớ nguồn.
Xuân Quê hương là hoạt động thường niên với ý nghĩa để kiều bào Việt Nam sinh sống và làm việc, học tập trên thế giới hướng về nguồn cội; đồng thời, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, khích lệ kiều bào gìn giữ bản sắc, truyền thống của dân tộc. Đây là sự kiện có quy mô lớn, thu hút sự tham dự của đông đảo kiều bào từ khắp nơi trên thế giới về quê hương đón Tết, được cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chờ đón mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thân ái chào mừng đại diện bà con kiều bào từ khắp năm châu bốn bể về thăm quê hương, đất mẹ Việt Nam, cùng đồng bào cả nước, gia đình thân yêu sum họp, đón Tết đoàn viên. Chủ tịch nước cũng gửi những tình cảm thân thương, lời thăm hỏi ân tình tới toàn thể những người con của quê hương Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập ở nước ngoài đang bồi hồi nhớ nhà, nhớ quê mà chưa thể về sum họp đón Tết.
“Vào những thời khắc cuối cùng của một năm, dù có bộn bề đến đâu, dù ở nẻo xa nào, chắc hẳn trong lòng ai cũng có nỗi khát khao mong được trở về để được cảm nhận linh khí của đất, của biển, của trời quê hương; được hòa trong hương sắc của đào, mai tươi thắm, của đậm đà bánh chưng, bánh tét và tĩnh lặng tâm can, dâng nén tâm hương trước tổ tiên và cùng sum vây ấm áp với gia đình, người thân, bạn bè”, Chủ tịch nước nói.
Thông tin tới bà con kiều bào về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước năm 2022, Chủ tịch nước nêu rõ, năm 2022 vừa qua là một năm toàn dân tộc Việt Nam chung sức đồng lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, phát huy mạnh mẽ nội lực, kết hợp hiệu quả với các nguồn lực quốc tế, vượt qua gian nan, thách thức, tận dụng cơ hội và đạt được nhiều thành tựu to lớn, quan trọng.
Đại dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát; GDP năm 2022 tăng 8,02%, cao nhất trong 11 năm qua và đứng hàng đầu khu vực; kim ngạch thương mại đạt 732 tỉ USD; vốn FDI giải ngân đạt 22,5 tỷ USD, tăng 13,5%...
Chất lượng tăng trưởng ngày càng cải thiện. Đời sống nhân dân tiếp tục được nâng cao, chính trị xã hội ổn định. Công tác xây dựng Đảng được đẩy mạnh, việc ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt, đạt nhiều kết quả. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện. Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và an ninh quốc gia được giữ vững.
Vị thế quốc tế của Việt Nam được nâng cao cả trong hợp tác song phương và đa phương. Lần thứ hai Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Trong chuyến thăm vào 9/2022, Tổng thư ký Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam “là một đối tác quan trọng” và “có nhiều đóng góp thực chất, hiệu quả”. Tháng 5/2022, SEA Games 31 với hàng chục nghìn người tham dự được tổ chức thành công, bảo đảm tốt an toàn phòng, chống dịch.
Chủ tịch nước nhắc đến Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị, khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là “bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước". Bằng nhiều hình thức và trên các lĩnh vực khác nhau, kiều bào đã góp phần quan trọng cả về vật chất lẫn tinh thần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư, đóng góp hàng chục tỷ đồng hỗ trợ quá trình chống dịch COVID-19 và khắc phục hậu quả của thiên tai bão lũ…
“Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng là chất xúc tác; đóng góp quan trọng vào những thành công của hoạt động đối ngoại nước ta”, Chủ tịch nước nói và cho rằng, thông qua các hoạt động giao lưu văn hoá, tôn giáo, bà con kiều bào ta đã và đang góp phần giữ gìn bản sắc, quảng bá những giá trị văn hóa Việt ở nước ngoài, hình thành một mạng lưới các sứ giả hữu nghị với các nước.
Chủ tịch nước vui mừng bởi nhiều doanh nhân kiều bào đã thành danh, lớn mạnh. Các hiệp hội, mạng lưới doanh nhân kiều bào đã và đang tích cực đưa hàng Việt Nam ra thị trường thế giới, đồng thời đưa các doanh nghiệp, các công ty đa quốc gia vào Việt Nam hợp tác làm ăn, đầu tư. Lượng kiều hối gửi về nước ngày càng lớn, tương đương 7% GDP và là nguồn lực rất quý giá cho đất nước...
Chủ tịch nước hoan nghênh đội ngũ hơn nửa triệu tri thức kiều bào là nguồn chất xám quan trọng, đã và đang tham gia vào các hoạt động khoa học sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, nâng cao chất lượng nhân lực, phát triển công nghệ trong nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào 2045 theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, sự quan tâm và chủ trương nhất quán xuyên suốt của Đảng ta từ Nghị quyết số 36/2004 cho đến Kết luận số 12/2021 của Bộ Chính trị đều tập trung “chăm lo”, “hỗ trợ” và “tạo điều kiện" để bà con ta thể hiện tinh thần yêu nước, gắn bó với quê hương. Trong những năm qua, Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ kiều bào ta tại các vùng xung đột trên thế giới, hỗ trợ làm ăn sinh sống, nâng cao địa vị pháp lý tại các nước, tổ chức nhiều hoạt động trực tiếp kết nối kiều bào với quê hương đóng góp cho phát triển...
“Đại hội Đảng XIII đã đặt ra mục tiêu chiến lược xây dựng một nước Việt Nam phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Trên con đường đi tới, dù sẽ còn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức nhưng với khát vọng đủ lớn và ngọn cờ đủ cao sẽ là nguồn động lực mạnh mẽ đoàn kết cả dân tộc cùng vững tin hành động, đổi mới sáng tạo biến khát vọng thành hiện thực”, Chủ tịch nước nói và bày tỏ mong muốn, trong tiến trình đó, kiều bào ta - những người con mang dòng máu Lạc Hồng – sẽ luôn nhớ một chữ “đồng" như Bác Hồ đã dạy, để cùng chung tay hành động thắp sáng tinh thần yêu nước vì một Việt Nam thịnh vượng và hùng cường.