Tiếp tục chương trình thăm và kiểm tra tuyến biên giới phía Bắc, ngay trong hai ngày (12 - 13/1), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác Trung ương đã đến thăm và chúc Tết đồng bào các dân tộc, cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại các huyện: Mèo Vạc, Vị Xuyên và Đồng Văn - điểm cực bắc của biên cương Tổ quốc. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm, chúc Tết cán bộ và nhân dân xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN |
Trên đường công tác từ tỉnh Cao Bằng đến Hà Giang, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác đã ghé thăm các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại xã Niêm Tòng, thuộc huyện Mèo Vạc, cửa ngõ lên cao nguyên đá. Đây là huyện biên giới có gần 42 km đường biên, người Mông chiếm 70%; sinh sống chủ yếu bằng trồng trọt và chăn nuôi. Với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/năm, đời sống người dân Mèo Vạc nói riêng, vùng cao Hà Giang nói chung dù được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.
Thăm xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc, Chủ tịch nước bày tỏ sự quan tâm đến các hoạt động của chính quyền trong công tác chăm lo cho người dân đón Tết cổ truyền dân tộc. Chủ tịch đã ghi nhận những ý kiến của bà con, mong muốn được hỗ trợ thêm hạ tầng giao thông, điện lưới để tạo động lực thúc đẩy sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, du lịch, nghề thủ công.
Chủ tịch nước lưu ý, trong điều kiện đất đai của vùng cao nguyên đá còn rất thiếu về diện tích phục vụ cho trồng trọt, địa phương cần tích cực đẩy mạnh chăn nuôi, đồng thời áp dụng thêm các công nghệ mới. Theo Chủ tịch nước, đây cũng là cơ sở để Mèo Vạc từng bước hình thành diện mạo nông thôn mới. Chủ tịch nước đề nghị, cùng với chăm lo kinh tế, chính quyền tỉnh, huyện cần quan tâm đến điều kiện học hành, chăm sóc sức khỏe của người dân, chú trọng xây dựng hệ thống chính trị của cơ sở.
Thăm huyện Đồng Văn, Chủ tịch nước đã dành thời gian thăm hỏi động viên các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở đồn biên phòng Đồng Văn. Đây là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý và bảo vệ đoạn biên giới dài hơn 6 km, cán bộ chiến sĩ thường xuyên phải hoạt động trong điều kiện địa bàn rộng, đi lại khó khăn, phong tục tập quán nhận thức của đồng bào còn hạn chế, thời tiết khí hậu khắc nghiệt. Nhờ chú trọng công tác dân vận, được sự hỗ trợ của chính quyền người dân, đồn biên phòng Đồng Văn luôn làm tốt việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, kịp thời xử lý tốt các tình huống xảy ra trên địa bàn.
Tại điểm cực bắc Tổ quốc, Chủ tịch nước đã thăm mẹ liệt sĩ Ni Thị Má và một số gia đình chính sách; động viên người dân, căn dặn chính quyền xã Lũng Cú cần chú trọng huy động các nguồn lực, tập trung phát triển đàn gia súc, xem đây là phương thức làm kinh tế hiệu quả để thay đổi kinh tế địa phương.
Tại cửa khẩu Thanh Thủy, điểm kết nối hàng hóa xuất nhập khẩu của Hà Giang với châu Vân Sơn, Trung Quốc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm hỏi, kiểm tra hoạt động quy hoạch, đầu tư, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh tại Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy.
Chủ tịch nước đã đánh giá cao bước phát triển 10 năm qua của khu biên mậu với 27 dự án đầu tư, số vốn 215 tỷ đồng, hạ tầng quy hoạch khang trang, hàng hóa thông thương thuận tiện. Chủ tịch nước đề nghị cán bộ Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy cần cùng với chính quyền địa phương mở rộng quy mô xuất nhập khẩu hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân hai bên cửa khẩu giao thương, làm tốt kinh tế đối ngoại, giúp khởi sắc kinh tế vùng biên.
Khép lại chương trình công tác tại Hà Giang, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm mô hình nông thôn mới ở xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên. Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng trước việc chính quyền và người dân địa phương đã hoàn thành được 16/19 tiêu chí nông thôn mới và động viên xã tiếp tục phấn đấu hoàn thành những tiêu chí còn lại, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người dân sao cho ngày một tốt hơn.
Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác Trung ương đã đến thăm và chúc Tết cán bộ, người dân tại tỉnh Tuyên Quang, kiểm tra tiến độ thi công công trình "Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang".
Sau 1 năm làm việc tích cực, đến nay việc xây dựng kết cấu móng, khung tượng đài đã hoàn thành công tác khoan, đổ bê tông móng cọc nhồi, lắp đặt cốt thép đài móng. Giai đoạn 2 của dự án sẽ tập trung thi công hoàn thiện các hạng mục nhóm tượng đài, phù điêu giữa, khán đài... cùng các hạng mục phụ trợ. Dự kiến công trình sẽ khánh thành đúng vào dịp sinh nhật Bác Hồ 19/5/2015.
Làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch nước đã nghe báo cáo về điểm nổi bật của tình hình kinh tế xã hội tỉnh. Năm 2013 là năm tỉnh hoành thành vượt mức 21/21 chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng đạt 13,5%, cao hơn mặt bằng chung cả nước, nhờ tỉnh đã hoàn thành đưa vào sản xuất các công trình trọng điểm là: Nhà máy đường Tuyên Quang công suất 2000 tấn mía cây/ngày, nhà máy thủy điện Chiêm Hóa, nhà máy Gang công suất 150.000 tấn/năm; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án "dây chuyền sản xuất giấy An Hòa, nhà máy may xuất khẩu, nhà máy thủy điện, nhà máy luyện Ăng-ty-moan.
Ghi nhận những bước phát triển ấn tượng của tỉnh, Chủ tịch nước nhấn mạnh đến thế mạnh kinh tế lâm nghiệp của Tuyên Quang. Trong bối cảnh việc quản lý rừng tự nhiên tại nhiều địa phương như khu vực Tây Nguyên còn nhiều bất cập, Tuyên Quang cần suy nghĩ để cùng cả nước giải phóng được sức sản xuất của 2 triệu ha rừng.
Chủ tịch tỉnh đề nghị Tuyên Quang có cách làm hiệu quả để nâng hiệu suất khai thác trên mỗi diện tích rừng, tránh tình trạng tài nguyên bị lãng phí. Chủ tịch đánh giá cao những công trình trọng điểm của tỉnh được triển khai đồng bộ, hiệu quả, giúp tăng trưởng GDP của tỉnh, giải quyết việc làm cho số đông lao động nông thôn, phát triển vùng nguyên liệu gắn với cơ sở sản xuất, làm thay đổi diện mạo kinh tế xã hội vùng miền núi, nông thôn vốn dĩ còn nhiều khó khăn.
Chủ tịch nước đã đến thăm và tặng quà công nhân đang lao động sản xuất tại công ty cổ phần giấy An Hòa. Với mục tiêu sản xuất ra khu vực các sản phẩm bột giấy đạt tiêu chuẩn quốc tế, công ty đang triển khai dây chuyền nhà máy giấy tráng phấn cao cấp, sử dụng công nghệ tiên tiến của nước ngoài; dự kiến vận hành vào quý 2 năm 2015. Hiện công ty đã tạo việc làm ổn định cho hơn 1.000 lao động địa phương, mở rộng vùng nguyên liệu rừng gỗ keo được quy hoạch hơn 200.000 ha tại tỉnh Tuyên Quang và các vùng phụ cận.
Hoàng Giang - Minh Tâm - Quang Đán