Tham gia lễ đón, về phía Việt Nam có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung; Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường và Phu nhân. Về phía Nhật Bản có các đoàn viên chính thức tháp tùng Nhà vua và Hoàng hậu.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Nhà vua Nhật Bản Akihito duyệt Đội danh dự Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN |
Sau lễ đón chính thức, sáng cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đã hội kiến với Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu.
Trong bầu không khí thắm tình hữu nghị và ấm cúng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân nhiệt liệt chào mừng Nhà vua Akihito và Hoàng hậu lần đầu tiên có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong những ngày đầu Xuân mới, coi đây là chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ hai nước; bày tỏ tin tưởng rằng chuyến thăm của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản sẽ góp phần tăng cường sự tin cậy, hiểu biết và tình cảm giữa nhân dân hai nước, qua đó phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới.
Thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trân trọng cảm ơn sự quan tâm và tình cảm của Nhà vua Akihito, Hoàng hậu, Hoàng gia, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản dành cho nhân dân Việt Nam trong thời gian qua.
Nhà vua Akihito và Hoàng hậu bày tỏ vui mừng lần đầu tiên thăm Việt Nam; cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, nồng ấm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phu nhân, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân hội kiến Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN |
Hai nhà Lãnh đạo cùng nhau điểm lại lịch sử giao lưu lâu dài giữa nhân dân hai nước có từ thế kỷ thứ 8 khi Đại sư Phật Triết của Việt Nam sang Nara - kinh đô đương thời của Nhật Bản để giao lưu Phật giáo, âm nhạc và các thuyền buôn của thương gia Nhật Bản tới phố cảng Hội An để giao thương vào thế kỷ 16 - 17.
Hai nhà Lãnh đạo bày tỏ hài lòng và phấn khởi trước những bước phát triển nhanh chóng và tốt đẹp của quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản trong gần 45 năm qua và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước trong thời gian tới.
Nhà vua Nhật Bản Akihito cho rằng sự giao lưu trong lịch sử là nền tảng quan trọng để hai nước thúc đẩy hợp tác vì sự phát triển của mỗi nước và quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.
Cũng tại buổi hội kiến, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đã giới thiệu với Nhà vua Akihito và Hoàng hậu về nền văn hóa Việt Nam đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu các tinh hoa của văn hóa thế giới; bày tỏ mong muốn được đón nhiều thành viên Hoàng gia Nhật Bản thăm Việt Nam vào năm 2018 - dịp hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và cùng phía Việt Nam tham dự các sự kiện kỷ niệm.
Cũng trong sáng 1/3, Nhà vua Akihito và Hoàng hậu đã tới đặt vòng hoa và viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu trao đổi tặng phẩm. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN |
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân, Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước lần đầu tiên tới Việt Nam từ ngày 28/2 - 5/3/2017.
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản là một sự kiện quan trọng, mang ý nghĩa biểu tượng, một dấu mốc lịch sử trong quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước.
Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản là biểu tượng cao quý của đất nước và khối đoàn kết toàn dân Nhật Bản. Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản chỉ thực hiện các chuyến thăm nhân dịp kỷ niệm đặc biệt đối với các đối tác có quan hệ thân thiết với Nhật Bản. Nhà vua Akihito là người có tình cảm tốt đẹp với Việt Nam, ủng hộ các thành viên Hoàng gia Nhật Bản tăng cường giao lưu với Việt Nam.
Lịch sử quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã lưu lại nhiều dấu ấn trong hành trình gắn kết, giao lưu giữa hai dân tộc từ nhiều thế kỷ trước. Việt Nam và Nhật Bản là hai dân tộc giàu truyền thống, chia sẻ nhiều nét tương đồng về văn hóa, giá trị nhân văn, tinh thần tự lực, tự cường.
Những phát hiện khảo cổ cho thấy những dấu tích gốm sứ của Việt Nam thế kỷ XV - XVII ở Okinawa và nhiều địa phương khác của Nhật Bản và đồ gốm Nhật Bản trong Hoàng cung Thăng Long.
Ngôi chùa Jomyo ở thành phố Nagoya hiện vẫn còn lưu giữ bức tranh Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ được vẽ trước năm 1640 của dòng họ Chaya mô tả một phần thương cảng Faifo - Hội An ngày nay của Việt Nam và thương thuyền của các nhà buôn Nhật Bản đến từ Nagasaki hồi thế kỷ XVII như một minh chứng sinh động cho sự khởi đầu giao thương giữa hai dân tộc.
Một số bậc chí sĩ yêu nước của Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX cũng đã sang Nhật Bản tìm đường cứu nước và học hỏi những tiến bộ trong cải cách thời Minh Trị. Về văn hóa, Nhã nhạc cung đình Huế và Nhã nhạc cung đình Nhật Bản có mối liên hệ mật thiết.
Việt Nam và Nhật Bản đã xây dựng được mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp nhất từ trước đến nay, tin tưởng về chính trị, tăng cường hợp tác và hỗ trợ kinh tế, hợp tác tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Đó là nhận định chung được lãnh đạo hai nước đưa ra khi đánh giá về mối quan hệ đã có bề dày gần 45 năm phát triển.