Đây là một đoạn trong lời tuyên thệ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang sau lễ nhậm chức trước Quốc hội tháng 2/4/2016. Và trong 29 tháng qua từ ngày tuyên thệ đó cho đến 10:05 ngày 21/9/2018 khi trái tim của đồng chí đập những nhịp cuối cùng, vĩnh biệt Tổ quốc và nhân dân, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hoàn thành tất cả các nhiệm vụ và sứ mệnh đúng như lời tuyên thệ.
Những cống hiến trên cương vị Chủ tịch nước
Chủ tịch nước Trần Đại Quang luôn chú trọng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch nước Trần Đại Quang thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng và đưa tiếng nói cử tri đến Quốc hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; thúc đẩy tiến trình cải cách tư pháp; quan tâm thực hiện chế độ, chính sách đối với các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Với tư cách Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, đồng chí đã góp phần xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường hòa bình để phát triển đất nước.
Trên cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương, đồng chí đã chú trọng cải cách tư pháp, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.
Đặc biệt, với vai trò là người đứng đầu nhà nước Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có nhiều đóng góp quan trọng trong hoạt động đối ngoại để nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng chí đã có nhiều cuộc tiếp xúc với lãnh đạo của nhiều nước trên thế giới. Qua các cuộc tiếp xúc đó, Việt Nam đã ghi những dấu ấn tốt đẹp trong lòng nhiều nguyên thủ quốc gia và những người đứng đầu các tổ chức quốc tế.
Dấu ấn đó được thể hiện rõ nhất trong sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Việt Nam. Đây là một trong những sự kiện ngoại giao kinh tế lớn nhất của đất nước trong năm 2017. Với cương vị nguyên thủ nước chủ nhà, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hoàn thành xuất sắc trọng trách đại diện cho đất nước đón tiếp, chủ trì các cuộc họp quan trọng nhất, bàn thảo chân tình, thẳng thắn về những vấn đề lớn của APEC với những người đứng đầu các nền kinh tế thành viên APEC.
Tại các cuộc tiếp xúc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thể hiện vị thế quốc gia bằng việc khẳng định Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước và các nền kinh tế trên cơ sở sự tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị, đồng thời khẳng định Việt Nam đã và đang làm hết sức mình để cùng các đối tác phát triển quan hệ hợp tác một cách thực chất, hiệu quả và vì lợi ích của cộng đồng quốc tế. Thành công tốt đẹp về nhiều phương diện của APEC 2017 với sự chủ trì của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã làm rạng rỡ Việt Nam.
Với tư cách đại biểu Quốc hội khoá XIV, đồng chí Trần Đại Quang luôn dành thời gian tiếp xúc cử tri thành phố Hồ Chí Minh, lắng nghe nguyện vọng của người dân thành phố mang tên Bác, giải thích cặn kẽ nhiều chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như kiến nghị với Quốc hội những vấn đề mà cử tri mong mỏi sớm được giải quyết.
Dù sức khoẻ đã giảm sút nhiều do phải chống chọi với bệnh trọng, trong những ngày tháng 9/2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang vẫn ân cần tới dự và phát biểu tại lễ khai giảng của thầy và trò Trường THPT Chu Văn An, đón tiếp Chủ tịch Indonesia Joko Widodo, và cuối cùng là tiếp các Trưởng đoàn Đại biểu quốc tế tham dự Đại hội các Cơ quan Kiểm toán Tối cao châu Á (ASOSAI) 14.
Dấu ấn trên cương vị "tư lệnh" ngành Công an
Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, đồng thời cũng đưa ra không ít những quyết định mang đậm tính nhân văn.
Đối diện với bộn bề công việc cần giải quyết nhanh chóng, người đứng đầu ngành Công an chịu rất nhiều áp lực. Áp lực lớn nhất chính là việc phải duy trì niềm tin của quần chúng với ngành Công an, giữ được uy tín cho lực lượng.
Lực lượng công an không ít lần bị các đối tượng xấu lợi dụng bôi nhọ vì do quá "mạnh tay" với tiêu cực. Tuy nhiên, điều đó không khiến vị Bộ trưởng công tâm chùn bước trong việc bóc gỡ những "con sâu đục khoét" ra khỏi bộ máy nhà nước.
Lực lượng công an, dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Trần Đại Quang, đã khiến giới tội phạm khiếp đảm khi liên tiếp bóc gỡ hàng loạt vụ trọng án, kéo theo là những bản án nghiêm khắc dành cho không ít trùm “xã hội đen” khét tiếng một thời và những người tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có cả những sĩ quan công an.
Hình ảnh Bộ trưởng Bộ Công an “đánh thẳng, đánh mạnh” vào nhiều lĩnh vực nhạy cảm được ví như “vùng cấm” trong phòng, chống tội phạm đã khắc sâu trong tâm khảm nhiều người. Và lời hứa “dù khó khăn, vất vả đến đâu, lực lượng Công an sẽ bằng mọi cách sớm tìm ra kẻ thủ ác, góp phần ổn định tình hình chính trị ở địa phương, răn đe, phòng ngừa tội phạm” của Bộ trưởng Trần Đại Quang đã trở thành động lực thúc đẩy những đồng đội của đồng chí nỗ lực phá liên tiếp 4 vụ trọng án gây chấn động ở Nghệ An, Bình Phước, Quảng Trị và Yên Bái trong chỉ hơn một tháng, góp phần nâng cao sự tin tưởng của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Đồng chí cũng đích thân đến hiện trường vụ thảm sát Bình Phước để nghe báo cáo tình hình và chia sẻ mất mát với gia đình các nạn nhân. Khoảnh khắc đồng chí nắm chặt tay thân nhân và hứa nhanh chóng phá án là hình ảnh gần gũi và có sức lay động, cho thấy sự sẻ chia, thấu hiểu với người dân của một tư lệnh ngành.
Vĩnh biệt đồng chí, Tổ quốc và nhân dân sẽ luôn nhớ tới hình ảnh một nguyên thủ của thời kỳ Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, một nhà lãnh đạo gần gũi với nhân dân, nhiệt thành với công việc.