Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn (Hà Nam)

Phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" tại Ninh Bình

Sáng 29/1 (tức mùng 7 tháng Giêng), UBND tỉnh Hà Nam đã tổ chức Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn, lễ hội truyền thống xuống đồng cày ruộng, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, tỉnh Hà Nam cùng hàng nghìn người dân địa phương đã tham dự lễ hội.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mở đường cày đầu xuân tại Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) ngày 29/1/2012 . Ảnh: Nguyễn khang - TTXVN


Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn là lễ hội truyền thống đã được UBND tỉnh Hà Nam phục dựng và tổ chức quy mô lớn trong nhiều năm gần đây. Trong nhiều tài liệu sử sách còn lưu lại, mùa Xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (tức năm 987), vua Lê Đại Hành về chân núi Đọi làm Lễ Tịch điền (cày ruộng) đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, mở ra một trang sử mới cho nền nông nghiệp nước ta. Kể từ đó, Lễ hội Tịch điền trở thành một mỹ tục được các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn thực hiện một cách thành kính, trang trọng. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Lễ hội Tịch điền đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng, là di sản văn hóa của dân tộc.

Năm nay, Lễ hội Tịch điền được UBND tỉnh Hà Nam tổ chức với quy mô lễ hội cấp tỉnh, diễn ra trong các ngày từ 27 đến 29/1 (tức các ngày 5, 6, 7 tháng Giêng năm Nhâm Thìn) với các nghi lễ truyền thống, các trò chơi dân gian thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương tham gia.

Màn trống hội tại Lễ hội Tịch điền. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN


Phát biểu tại Lễ hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi trong không khí ngày hội mang đậm nét truyền thống văn hóa dân tộc, ngày hội lao động sản xuất đầu Xuân tràn đầy khí thế báo hiệu một mùa bội thu. Chủ tịch nước khẳng định, lịch sử Việt Nam đã chứng minh, dù bất cứ hoàn cảnh nào, nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn là cơ sở vững chắc, là nền tảng cho sự phát triển của đất nước. Từ xưa đến nay, Lễ xuống đồng đều rất được coi trọng, mở đầu cho một mùa vụ mới, trở thành nét sinh hoạt văn hóa quan trọng, một di sản văn hóa tinh thần mà các thế hệ người Việt Nam kế thừa và phát huy. Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cả nhân loại đang đứng trước những thách thức lớn, vấn đề an ninh lương thực càng phải được chú trọng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mong muốn Ngày hội xuống đồng Đọi Sơn – Hà Nam tiếp tục là một sự kiện quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa - du lịch hàng năm của tỉnh. Trong không khí phấn khởi mừng Đảng, mừng Xuân mới, Chủ tịch nước đã phát lệnh xuống đồng trong lễ hội lao động sản xuất đầu năm mới Nhâm Thìn 2012.

* Cùng ngày, tại xóm 5 xã Kim Đông, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ". Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến dự.

Phát biểu tại Lễ phát động, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Ngày nay, khi nhiệt độ trái đất nóng lên, biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng đang đe dọa cuộc sống của con người trên Trái đất; do đó để phát triển kinh tế bền vững phải đi đôi với bảo vệ môi trường và điều đó đã trở thành yêu cầu sống còn với mọi quốc gia, thì việc trồng cây, trồng rừng và bảo vệ rừng ngày càng có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”, “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kêu gọi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, mỗi gia đình, mỗi người dân từ các cụ phụ lão đến các cháu nhi đồng hãy tham gia Tết trồng cây - một việc “tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”, để Tết trồng cây trở thành một tập quán tốt đẹp của nhân dân ta trong những ngày vui Tết, đón Xuân. Mọi người trồng cây, mọi nhà trồng cây; trồng cây ăn quả, trồng cây lấy gỗ, trồng cây chắn gió bảo vệ đê biển, chống xói mòn đất, chống cát bay; trồng cây trong thôn xóm, dọc đường giao thông nông thôn, vùng ven biển, biên giới, trên các hải đảo, vùng đất trống, đồi trọc... phù hợp với điều kiện của từng nơi; đồng thời cần nâng cao ý thức và có nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực để bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Làm tốt điều này là thực hiện lời dạy của Bác, vừa góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, vừa giữ gìn môi trường sống cho muôn đời con cháu.

Nhân dịp đầu xuân năm mới, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình. Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng, hoan nghênh và biểu dương Đảng bộ, nhân dân tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành khá toàn diện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2011.

Chủ tịch nước lưu ý, năm 2012, tình hình thế giới, khu vực còn ẩn chứa những diễn biến phức tạp, khó lường; vì vậy Ninh Bình nói riêng cần phát huy tinh thần đoàn kết, cố gắng giữ cho được tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đưa địa phương trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng và của cả nước.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm và trồng cây lưu niệm tại Đồn Biên phòng 104, dâng hương và trồng cây lưu niệm tại đền thờ Dinh Bình Hầu Nguyễn Công Trứ Tướng công tại huyện Kim Sơn; đền thờ Danh nhân chính trị, quân sự, văn hóa Trương Hán Siêu tại thành phố Ninh Bình và khu văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn).

Hoàng Giang - TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN