Nhân kỷ niệm 67 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7, 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô 10/10, ngày 23/7, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm Khu di tích Hỏa Lò, thắp hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng, liệt sỹ, gặp gỡ các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, giam cầm tại nhà tù Hỏa Lò trong giai đoạn 1930 - 1954.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng quà cho các đại biểu. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN |
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã xúc động thăm lại nơi giam giữ các chiến sĩ cách mạng qua các thời kỳ đấu tranh; tận mắt chứng kiến những hiện vật, những hình ảnh đau thương của một thời máu lửa: xà lim, ngục tối, máy chém..., tham quan hai cửa cống ngầm nơi những người tù cộng sản vượt qua sự canh gác nghiêm mật của cai tù, trở về với Đảng, nhân dân, tiếp tục hoạt động cách mạng.
Cùng các đại diện cựu tù chính trị, Chủ tịch nước đã ôn lại truyền thống trung dũng kiên cường, đấu tranh chống lại chế độ nhà tù thực dân phong kiến hà khắc tại "Nhà lao Trung ương". Nhà tù Hoả Lò có vị trí khá đặc biệt được xây dựng bên cạnh Tòa Đại Hình và Sở Mật thám với những vật liệu vững chắc mang từ Pháp sang. Hỏa Lò là nơi nhiều người con ưu tú của dân tộc, của Đảng bị giết hại. Cũng chính tại nơi này, các chiến sỹ yêu nước, chiến sỹ cách mạng, cộng sản đã nêu cao ý chí chiến đấu, tinh thần hy sinh quả cảm, sự khôn khéo và sáng tạo làm thất bại nhiều cuộc đàn áp của bọn cai ngục.
Đây còn là nơi các chiến sỹ cộng sản mưu trí, bí mật thành lập các Chi bộ Đảng cộng sản, lãnh đạo các cuộc đấu tranh, mở các lớp chính trị, văn hoá, ra báo bí mật, tổng kết kinh nghiệm vận động quần chúng. Tội ác dã man của thực dân, đế quốc và những tấm gương kiên trung, bất khuất của những người tù cách mạng sẽ còn mãi với thời gian. Nhiều người tù cộng sản đã trưởng thành về chính trị, đạo đức và tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm đấu tranh cách mạng. Trong các đồng chí bị địch bắt, giam giữ tại đây trở về hoạt động cách mạng, đã có 5 đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng: Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười; 78 uỷ viên Trung ương Đảng và hàng trăm người khác giữ cương vị lãnh đạo trọng yếu trong nhiều thời kỳ cách mạng.
Khẳng định công lao to lớn và những đóng góp quan trọng của các thế hệ chiến sỹ cách mạng trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, Đảng và Nhà nước đã Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại Nhà tù Hoả Lò. Theo báo cáo của Ban Liên lạc, đến nay, số đông các cựu tù Hoả Lò đã ra đi, chỉ một số ít còn lại, tất cả đều ở độ tuổi rất cao, từ 80 đến trên dưới 100 tuổi, lại mang trong mình nhiều thương tích, bệnh tật do bị kẻ địch tra tấn, đầy đọa.
Chủ tịch nước bày tỏ xúc động được gặp mặt chiến sĩ cách mạng, những đại biểu của một thế hệ đã góp phần làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám vĩ đại và Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, góp phần giải phóng miền Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội vào ngày 10/10/1954. Chủ tịch nước nhấn mạnh, tấm gương chiến đấu, hy sinh của các chiến sỹ yêu nước, chiến sỹ cộng sản tại Nhà tù Hỏa Lò, mãi mãi ngời sáng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thay mặt Đảng, Nhà nước, với tư cách là người đồng chí, đồng đội từng bị địch bắt tù đày, Chủ tịch chúc các cựu tù chính trị Hoả Lò cố gắng chiến thắng bệnh tật, giữ gìn sức khoẻ để an vui cùng con cháu, tiếp tục nêu gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo, nhất là cổ vũ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc.
Chủ tịch nước đề nghị các Bộ, ngành, Thủ đô Hà Nội phải hết lòng chăm sóc, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách đền ơn, đáp nghĩa mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, nghiên cứu đề xuất những chủ trương, chính sách mới, nhằm quan tâm thật cụ thể, thiết thực đến những chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày.
Chia sẻ với những phát biểu bày tỏ tâm huyết của các cựu tù chính trị, Chủ tịch nước khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền, gìn giữ hòa bình để xây dựng đất nước.
Chủ tịch nước đã ghi sổ lưu bút, thăm triển lãm trưng bày chuyên đề "Hoàng Sa- Trường Sa - chủ quyền Việt Nam" tại Khu di tích Hỏa Lò.
Hoàng Giang